03/04/2012 - 20:56

Xem “Số phận bị đánh cắp”

Lại một kiểu "Việt hóa" tệ hại

Thiên Anh (Kim Hiền, ảnh trái) và Du Hằng (Như Thảo). Nguồn ảnh: http://hoaphim.net

“Số phận bị đánh cắp” được Việt hóa từ phim truyền hình nổi tiếng của Singapore “Cuộc chạm trán cuối cùng”. Phim dài 30 tập do hãng M & T Pictures sản xuất, phát lúc 13h từ thứ 5 đến thứ 7 hàng tuần trên HTV7. Phiên bản Việt được chờ đợi đã làm khán giả sớm thất vọng khi xem những tập đầu.

Ông Huy Hoàng (Mai Huỳnh)- chủ tịch tập đoàn Hoàng Long bề ngoài là người chính trực, công bằng nhưng kỳ thực chuyên làm ăn gian xảo, bất hợp pháp. Ông Hoàng có hai người con là Thiên Anh (Kim Hiền) và Nhân Nghĩa (Tuấn Anh). Ông Hoàng giao hết việc công ty cho em gái là Tâm (Thân Thúy Hà) vì không tin tưởng vợ và hai con. Bà Tâm là người thông minh, nhiều thủ đoạn muốn giành tài sản cho con trai Trọng Đức luôn tìm cách phá hoại khiến gia đình ông Hoàng luôn bất hòa.

Thiên Anh kết bạn với luật sư Du Hằng (Như Thảo) trong một vụ kiện liên quan đến em trai cô. Thế nhưng, Thiên Anh phát hiện sự thật về thân phận mình khiến cô luôn sống trong lo sợ, hoảng loạn. Thì ra bà Văn Ngọc- mẹ của Du Hằng vì hận thù ông Hoàng đã tráo đổi hai bé gái Thiên Anh và Du Hằng lúc mới sinh ở bệnh viện. Không cam tâm mất tất cả, Thiên Anh tìm mọi cách che giấu thân phận rồi vô tình giết người mẹ ruột. Nghi ngờ về cái chết của bà Văn Ngọc, Du Hằng điều tra vụ việc khiến Thiên Anh càng lún sâu vào tội ác khi lần lượt giết hại những người thân trong gia đình.

Khách quan mà nói phim có kịch bản gốc hay, đầy kịch tính, logic nhưng đáng tiếc sự chuyển thể quá gượng ép, khiên cưỡng của phiên bản Việt đã đánh mất đi “cái chất” thực sự của phim. Những mâu thuẫn, các mối quan hệ trong phiên bản gốc được lý giải, thể hiện khá rõ ràng nhưng ở “Số phận bị đánh cắp” những yếu tố này mờ nhạt, nhiều đoạn xen ngang khiến khán giả khó hiểu (!?).

Việc tạo hình và xây dựng các nhân vật cũng khiến khán giả màn ảnh nhỏ không hài lòng và bất bình. Các tuyến nhân vật không có sự thay đổi, thậm chí có những nhân vật phụ được tạo hình y chang phiên bản của “đảo quốc sư tử”, ngay cả tên nhân vật cũng giữ nguyên, khán giả dễ dàng nhận ra và đoán trước được tình tiết. Song phim còn xây dựng nhân vật thiếu logic. Đơn cử như việc xây dựng nhân vật Phong - người yêu của Thiên Anh. Phiên bản gốc Phong nổi danh là thần bài, về sau mất trí thành người mê cá cược, điều này vẫn đảm bảo tính nhất quán. Thế nhưng ở phiên bản Việt, Phong lúc đầu là võ sư Vovinam nổi tiếng, sau đó lại là người không hề biết võ (?) mê game. Việc xây dựng nhân vật lại thiếu tính thuyết phục, cá tính khiến khán giả sớm ngán ngẩm khi xem phim. Nhiều màn diễn xuất của diễn viên thái hóa hoặc gượng gạo, thiếu biểu cảm càng làm cho phim tệ hơn.

Khán giả Việt không quá xa lạ với các phim nước ngoài nổi tiếng được Việt hóa, thế nhưng việc chuyển thể rập khuôn máy móc, thiếu sự đầu tư trí tuệ và trách nhiệm như phim “Số phận bị đánh cắp” càng khiến khán giả quay lưng với phim Việt, nhất là phim Việt hóa.

ÁI LAM

Chia sẻ bài viết