01/08/2020 - 07:27

Kinh tế Mỹ lao dốc thê thảm 

Bộ Thương mại Mỹ hôm 30-7 công bố số liệu cho thấy quý II/2020, nền kinh tế đầu tàu thế giới đã giảm tới 32,9%, mức giảm sâu nhất kể từ năm 1947.

Dòng người xếp hàng xin trợ cấp thất nghiệp tại bang Nevada, Mỹ. Ảnh: AP

Mức sụt giảm trên cao gấp 4 lần đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính cách đây hơn 10 năm. Khi đó, GDP của Mỹ giảm 8,4% trong quý IV năm 2008.

Sự sụt giảm của GDP trong quý II năm nay chủ yếu do chi tiêu tiêu dùng - đóng góp 70% GDP của Mỹ - lao dốc 34,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các số liệu cũng chỉ ra rằng hoạt động thương mại bị ảnh hưởng nặng nề, với kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 64% trong khi nhập khẩu giảm 53,4%. Do đại dịch COVID-19, nhiều bang ở Mỹ đã phải ra lệnh đóng cửa các nhà hàng, khu vui chơi giải trí, trong khi người dân tránh đến những nơi đông người.

Trước đó, kinh tế Mỹ đã giảm 5% trong quý I và chính thức rơi vào suy thoái do COVID-19, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài 11 năm liên tiếp, giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử xứ cờ hoa.

Mới đây, Bộ Lao động Mỹ cũng đã công bố số liệu việc làm cho thấy, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này lên tới 1,43 triệu người. Do tác động của lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan, các doanh nghiệp ở Mỹ đã cắt giảm 20,8 triệu lao động trong tháng 4 và mới chỉ khôi phục khoảng 7,5 triệu việc làm trong tháng 5 và 6, thời điểm nhiều bang ở nước này bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế. Dù vậy, việc nhiều bang tại miền Nam và Tây phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội do số ca nhiễm COVID-19 tăng cao gần đây, đang làm xói mòn những hy vọng về một sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong quý III/2020.

Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đánh giá dịch COVID-19 sẽ còn ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh tế, việc làm và lạm phát trong thời gian tới và gây ra rủi ro đáng kể cho triển vọng phục hồi kinh tế nước này trong trung hạn. Các nhà kinh tế học thậm chí cảnh báo nền kinh tế Mỹ sẽ phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi từ cú sốc này. Ngân hàng Barclays dự báo sản lượng kinh tế Mỹ sẽ không thể quay về mức trước đại dịch trước đầu năm 2022. Riêng Tổ chức Moody’s Analytics ước tính phải đến năm 2023, tỷ lệ việc làm mới trở lại mức trước đại dịch.

Nhiều nước chìm sâu vào suy thoái

Nhưng không chỉ Mỹ mà nền kinh tế nhiều nước trên thế giới cũng sụt giảm mạnh do COVID-19. Hôm qua, Cơ quan thống kê quốc gia Pháp công bố số liệu cho thấy nền kinh tế nước này đã giảm 13,8% trong quý II năm nay, đánh dấu quý thứ 3 liên tiếp kinh tế Pháp tăng trưởng âm. Khi đó, đất nước hình lục lăng trong tình trạng phong tỏa để chống dịch COVID-19. Trong quý I/2020, kinh tế Pháp đã giảm 5,9%. Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - cho biết GDP trong quý II đã giảm 10,1%. Trong khi đó, Bỉ và Áo cũng ghi nhận GDP giảm lần lượt 12,2% và 10,7%. Còn tại Mexico, GDP trong quý II vừa qua giảm 17,3% so với quý trước đó, đánh dấu mức giảm kỷ lục được ghi nhận tại nước này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo kinh tế toàn cầu giảm 4,9% trong năm 2020.

Sáu tháng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, các quốc gia trên khắp thế giới vẫn đang vật lộn để khống chế đại dịch trong khi tìm cách khôi phục nền kinh tế. Tính đến chiều 31-7, trên toàn cầu ghi nhận hơn 17,5 triệu ca nhiễm COVID-19 với trên 677.000 người tử vong.

HẠNH NGUYÊN (Theo USA Today, AP)

Chia sẻ bài viết