28/12/2011 - 13:14

Khủng hoảng chính trị ở Iraq ngày càng trầm trọng

Liệu ông al-Maliki (trái) có thể lãnh đạo Iraq mà không có sự ủng hộ của Moqtada al-Sadr (phải)? Ảnh: EPA

Thủ tướng Nouri al-Maliki, người bị giới chính trị đối lập ở Iraq cáo buộc là nhà độc tài không thua kém Saddam Hussein, đang trở nên đơn độc hơn bao giờ hết khi nhóm chính trị đầy quyền lực do giáo sĩ nổi tiếng chống Mỹ theo đạo Hồi dòng Shiite Moqtada al-Sadr dẫn đầu trong liên minh cầm quyền của ông kêu gọi giải tán quốc hội và chính phủ để tổ chức cuộc tuyển cử trước thời hạn.

“Chúng ta có nhiều vấn đề. Khi người Mỹ đến Iraq, họ trao quyền cho một số nhóm chính trị và nhà lãnh đạo, nay họ rút đi chúng ta cần có các cuộc bầu cử mới”, ông Baha al-Aaraji, người đứng đầu khối chính trị ủng hộ giáo sĩ Moqtada al-Sadr tuyên bố và coi đây là “con đường duy nhất” giúp Iraq thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị có nguy cơ biến thành xung đột sắc tộc và nội chiến.

Kiến nghị của nhóm chính trị nói trên đã nhận được sự ủng hộ của liên minh Iraqiya có đa số thành viên là người Hồi giáo dòng Sunni thiểu số ở Iraq. Kênh truyền hình A-rập al-Arabiya sáng hôm qua trích lời cựu Thủ tướng Iyad Allawi, một người Hồi giáo dòng Shiite đứng đầu khối Iraqiya, cho rằng tại Iraq đang có sự đồng thuận giữa các phe phái chính trị khác nhau về việc tổ chức cuộc tuyển cử sớm nhằm giúp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay bớt căng thẳng và phức tạp.

Trong khi đó, Tổng thống Jalal Talabani và cộng đồng người Kurd ở khu vực miền Bắc bán tự trị đã bất tuân lệnh của chính quyền trung ương đòi giao nộp Phó Tổng thống Tariq al-Hashimi, nhà lãnh đạo dòng Sunni bị cáo buộc điều hành “một lữ đoàn thần chết” chuyên ám sát các quan chức an ninh và chính trị gia dòng Shiite.

Theo nhận định của Thời báo New York (Mỹ), động thái mới của nhóm chính trị ủng hộ al-Sadr có thể chưa đủ mạnh để ngay lập tức hạ bệ được chính quyền al-Maliki và một cuộc bầu cử trước thời hạn nếu có cũng phải mất vài tháng để tổ chức. Nhưng cho dù điều này có diễn ra thì tương lai chính trị dễ đổ vỡ của Iraq cũng trở nên không chắc chắn. Theo Thời báo New York, các nhánh trong “mạng lưới chính trị rối rắm” giữa các phái Shiite, Sunni và Kurd sẽ chạy đua tranh giành quyền lực, tầm ảnh hưởng, tiền bạc và lá phiếu của cử tri. Bài học từ cuộc bầu cử tháng 3-2010 cho thấy ở Iraq không có đảng nào giành thắng lợi một cách rõ ràng, khiến đất nước vùng Vịnh này phải mất 9 tháng mới có thể dàn xếp được chính phủ chia sẻ quyền lực.

Tuy nhiên, nếu không tổ chức bầu cử và chính phủ hiện nay vẫn tồn tại thì vai trò “thủ lĩnh quốc gia” của ông al-Maliki cũng đứng trên bờ vực sụp đổ. Hatem Baidhani, một nghị sĩ thuộc nhóm ủng hộ al-Sadr, đã từng bộc lộ tham vọng lớn hơn của khối chính trị này khi cho rằng thủ tướng kế tiếp của Iraq chỉ có thể là người của riêng al-Sadr mà thôi.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Liệu ông al-Maliki (trái) có thể lãnh đạo Iraq mà không có sự ủng hộ của Moqtada al-Sadr (phải)? Ảnh: EPA

Chia sẻ bài viết