27/06/2011 - 09:16

Đồng chí Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng ban chỉ huy PCLB-TKCN TP Cần Thơ:

Không để sự cố đáng tiếc xảy ra trong mưa bão

 

Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão – Tìm kiếm Cứu nạn (PCLB-TKCN) TP Cần Thơ vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác PCLB-TKCN năm 2010 và triển khai kế hoạch thực hiện năm 2011. Tại hội nghị, nhiều vấn đề được Ban Chỉ huy PCLB-TKCN TP Cần Thơ đặt ra, trong đó nổi bật nhất là đẩy mạnh công tác phòng tránh sạt lở, thiệt hại tài sản trong mùa mưa, bão năm 2011, kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiệt hại về người... Phóng viên Báo Cần Thơ đã phỏng vấn đồng chí Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND, Kiêm Trưởng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN TP Cần Thơ, xung quanh vấn đề này.

* Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Cần Thơ đã xảy ra nhiều vụ sạt lở để lại hậu quả nặng nề, xin đồng chí cho biết những điểm có nguy cơ sạt lở cao hiện nay và tác nhân đáng ngại nhất?

- Những điểm sạt lở như: đoạn bờ sông Cần Thơ gần cầu Cái Răng; đoạn bờ sông Cái Sơn gần cầu Cái Sơn; rạch Ngỗng tại khu vực 5, phường An Hòa (quận Ninh Kiều); khu vực chợ Long Hòa, phường Long Hòa (quận Bình Thủy), bờ sông Thốt Nốt, phường Trung Nhứt (quận Thốt Nốt)... có nguy cơ tiếp tục sạt lở rất cao. Việc di dời dân và tài sản của người dân đang được chính quyền địa phương khẩn trương thực hiện, nhằm tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.

Khu vực sạt lở tại chợ Long Hòa (quận Bình Thủy) đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở cao. Ảnh: H.V. 

Hiện tượng sạt lở bờ sông có nhiều nguyên nhân khác nhau, nguyên nhân cơ bản là do xung lực của sóng tàu thuyền đi lại tác động vào bờ và địa chất bờ sông, bờ rạch thuộc loại mềm yếu, bị nước xâm thực nên xói lở; dòng chảy ở một số sông rạch thay đổi gây xói mòn dẫn đến sạt lở; người dân xây dựng nhà kiên cố có trọng lực nặng cặp bờ sông cũng dễ dẫn đến sạt lở... Biện pháp phòng chống sạt lở đơn giản mà người dân có thể thực hiện như: trồng cỏ, thả lục bình, đóng cọc tre, cừ tràm vô bao cát tấn mé... Các công trình bán kiên cố và kiên cố gồm: làm bờ kè bằng bêtông (dùng trụ và tấm dal bêtông chặn đất); xây tường chắn đất bằng đá xây; kè gỗ tấn mê bồ chắn đất... Thực hiện những biện pháp này sẽ giảm được sự cố sạt lở bờ sông.

* Thành phố đã có những công trình, dự án để khắc phục tình trạng sạt lở và ổn cư cho hộ dân bị ảnh hưởng, đồng chí có thể thông tin thêm về tiến độ thi công các công trình này?

- Dự án kè bảo vệ bờ sông tại phường Thốt Nốt, bờ sông chợ Trà Nóc đã được Trung ương thông báo bố trí vốn thực hiện trong năm 2011 là 25 tỉ đồng (cho kè tại phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt), 42 tỉ đồng (kè bờ sông chợ Trà Nóc, quận Bình Thủy)... UBND TP Cần Thơ sẽ thống nhất cho ngành nông nghiệp lập dự án đầu tư và xin vốn Trung ương để xây dựng kè chống sạt lở tại khu vực chợ Long Hòa (quận Bình Thủy), rạch Cái Sơn (quận Ninh Kiều), khu vực chợ Mỹ Khánh (huyện Phong Điền)... Bằng nhiều biện pháp, UBND thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp quyết tâm thực hiện để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do sạt lở trong mùa mưa, bão năm 2011 và những năm tiếp theo.

Theo Dự án xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ (khu dân cư vượt lũ giai đoạn 2), TP Cần Thơ được phê duyệt và đầu tư thực hiện 8 cụm, tuyến dân cư vượt lũ tại các quận, huyện là “điểm nóng” của vùng sạt lở như: huyện Phong Điền, Vĩnh Thạnh và quận Bình Thủy. Các cụm, tuyến dân cư này giải quyết chỗ ở cho các hộ dân sống vùng sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở cao. Hiện nay có 3 cụm dân cư ở 3 địa phương này được triển khai giải phóng, san lấp mặt bằng. Trong đó, huyện Phong Điền cơ bản hoàn thành khâu giải phóng, san lấp mặt bằng và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Các quận, huyện khác cũng đang thực hiện các khâu này và đã đưa ra kế hoạch hoàn thành, bố trí dân vào ở trong thời gian sớm nhất. Đây là công trình bức xúc, giải quyết ổn cư tại vùng sạt lở nên được thành phố ưu tiên đầu tư, thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện.

UBND thành phố đã phê duyệt đồ án quy hoạch phòng, chống sạt lở các sông, rạch do Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam thực hiện. Đồ án này đã được công bố quy hoạch để các ban, ngành thành phố, quận, huyện tổ chức thực hiện theo quy hoạch và theo thứ tự ưu tiên từ nay đến năm 2030, với 25 công trình xây dựng bờ kè kiên cố và bán kiên cố, có tổng chiều dài khoảng 56km. Riêng bờ kè chống sạt lở sông Ô Môn (đoạn từ cầu Ô Môn đến Tắc Ông Thục) đã đấu thầu xây lắp với giá gói thầu theo dự toán được duyệt khoảng 73 tỉ đồng, dự kiến quý III-2011 khởi công thực hiện.

* Thưa đồng chí, Ban Chỉ Huy PCLB-TKCN thành phố đã chuẩn bị những gì để chủ động ứng phó với thiên tai trong năm 2011?

- Các Ban Chỉ huy PCLB-TKCN từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường xây dựng kế hoạch phòng chống dựa vào điều kiện tự nhiên của từng địa phương. Chúng tôi cũng yêu cầu các ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch, biện pháp PCLB-TKCN một cách cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình của từng ngành, từng địa phương để chủ động ứng phó với mọi bất trắc của thiên tai. Các hoạt động PCLB-TKCN mang tính chủ động phòng, tránh, đối phó kịp thời, khắc phục hậu quả khẩn trương và có hiệu quả; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” như: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư , phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ để ứng phó và cứu hộ, cứu trợ kịp thời khi có thiên tai. Thường xuyên kiểm tra tại các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở để kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra... Nêu cao sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ngành, các cấp để huy động sức mạnh tổng hợp trong công tác PCLB-TKCN, nhất là công tác cứu hộ, cứu trợ, cảnh báo sạt lở, kịp thời di dời dân...

* Xin cảm ơn đồng chí!

HÀ VĂN (Thực hiện)

Mùa mưa bão năm qua, TP Cần Thơ xảy ra 9 cơn lốc xoáy, 4 vụ sét đánh và 4 điểm sạt lở bờ sông có tổng chiều dài gần 200m, đã làm 7 người chết; 103 căn nhà và 2 vựa trái cây bị sập, tốc mái, siêu vẹo và đổ sụp xuống sông, ước tổng thiệt hại 2,553 tỉ đồng. Riêng, từ đầu năm đến nay, TP Cần Thơ đã xảy ra 6 đợt lốc xoáy, làm 3 người bị thương, 28 căn nhà bị sập, tốc mái; 4 vụ sạt lở bờ sông tại các nơi: khu vực 5, phường An Hòa, quận Ninh Kiều; ấp Mỹ Khánh, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền; khu vực bờ sông tại chợ Long Hòa, phường Long Hòa, quận Bình Thủy; khu vực Tràng Thọ A, phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt. Các vụ sạt lở đã làm 2 người chết (phường Long Hòa, quận Bình Thủy), 6 căn nhà và 12 lô, sạp kinh doanh bị sụp đổ xuống sông…, tổng thiệt hại ước khoảng 4 tỉ đồng.

Theo nhận định của cơ quan khí tượng, thủy văn TP Cần Thơ: Mùa mưa năm 2011 bắt đầu vào trung tuần tháng 5-2011 và kết thúc khoảng giữa tháng 11-2011. Mùa mưa năm nay diễn biến phức tạp, có nhiều trận mưa lớn, cần đề phòng lốc xoáy, sét đánh. Dự báo tổng số cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta khoảng 5 đến 6 cơn, xấp xỉ trung bình nhiều năm. Đặc biệt, các cơn bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng xảy ra vào cuối mùa mưa, ảnh hưởng các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ.

Mùa mưa trên khu vực sông Mekong đến sớm hơn trung bình nhiều năm, do đó có khả năng xảy ra lũ đầu mùa tại đầu nguồn sông Mekong. Đến cuối tháng 7-2011, mực nước tại Tân Châu bằng hoặc cao hơn 3m. Riêng tại Cần Thơ, trong các tháng 7, 8, 9, 10-2011 mực nước trên sông và kinh rạch cao dần do chịu ảnh hưởng chủ yếu của thủy triều và nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Mực nước cao nhất trên sông Hậu tại Cần Thơ có thể đạt mức từ 1,95m đến 2m (cao hơn mức báo động III từ 0,05m đến 0,20m).

Chia sẻ bài viết