28/03/2008 - 00:10

Khởi động hội đồng phòng thủ Nam Mỹ?

Tổng thống Lula da Silva (trái) và Tổng thống Venezuela Hugo Chavez thăm một nhà máy dầu tại Brazil ngày 26-3.

Trong cuộc gặp tại thành phố Recife (miền Bắc Brazil) hôm 26-3, bên cạnh việc thảo luận nhằm đi đến thống nhất phương án góp vốn xây dựng nhà máy lọc dầu trị giá 4 tỉ USD tại Brazil, Tổng thống nước chủ nhà Lula da Silva và người đồng cấp Venezuela Hugo Chavez còn bàn bạc khả năng thành lập một hội đồng phòng thủ chung cho khu vực Nam Mỹ. Tổng thống Chavez cho rằng việc xây dựng hội đồng phòng thủ Nam Mỹ nhằm mục đích ngăn ngừa xảy ra một cuộc khủng hoảng quân sự trong khu vực theo sáng kiến của ông Da Silva là một ý tưởng tuyệt vời. Theo ông Chavez, nó không những giúp các nước trong khu vực tránh nguy cơ xung đột mà còn làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung ứng vũ khí từ Mỹ, đồng thời qua đó đảm bảo nền độc lập của Nam Mỹ. Đề xuất thành lập hội đồng phòng thủ khu vực hoàn toàn phù hợp với ý nguyện của ông Chavez, người ngay từ khi lên làm tổng thống năm 1999 từng bày tỏ mong muốn cho ra đời Tổ chức Hiệp ước Nam Đại Tây Dương như là bản sao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ nắm vai trò chi phối.

“Sự cố” quân sự giữa Colombia và Ecuador hồi đầu tháng 3-2008 khiến đề xuất của Tổng thống Brazil nhận được thêm sự ủng hộ (chưa chính thức) từ Argentina và Chile. Điều đáng chú ý là Mỹ lại sốt sắng lên tiếng hậu thuẫn sáng kiến này và thậm chí tuyên bố sẵn sàng cho phép hội đồng phòng thủ Nam Mỹ được đặt trụ sở tại Washington. Tuy nhiên, khi tiếp Ngoại trưởng Condoleezza Rice và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Stephen Hadley mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Brazil, ông Nelson Jobim, thẳng thắn nói rằng tốt nhất là Washington đừng can thiệp vào tổ chức này.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng cuộc khủng hoảng quân sự làm căng thẳng quan hệ giữa Colombia và các nước láng giềng Ecuador, Venezuela là có sự tác động từ Mỹ. Bằng việc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Ecuador, chính quyền Colombia muốn chứng tỏ sức mạnh quân sự của mình nhờ được Washington viện trợ (núp dưới chiêu bài chống ma túy). Theo thống kê của một tạp chí quân sự Brazil năm 2004, sức mạnh quân sự của Colombia lúc đó chỉ đứng hàng thứ 5 khu vực Nam Mỹ, sau Brazil, Peru, Argentina và Chile. Thế nhưng đến năm 2008, tạp chí này cho hay Colombia có đội quân hùng mạnh nhất Nam Mỹ với 210.000 binh sĩ, trong khi Brazil, quốc gia có dân số lớn hơn gấp 4 lần và diện tích lãnh thổ rộng hơn 7 lần, chỉ có 190.000 quân. Về chi phí quốc phòng tính trên GDP, Colombia đứng hàng đầu không chỉ trong phạm vi khu vực mà toàn cầu. Tổng chi phí quân sự của Colombia chiếm 6,5% GDP, cao hơn mức 4% của Mỹ, 2% của các nước thành viên NATO.

Nếu một hội đồng phòng thủ chung ra đời thì đó sẽ là một diễn đàn để các nước Nam Mỹ tạo dựng lòng tin lẫn nhau, liên kết đối phó với sự can thiệp từ bên ngoài.

• PHÚC NGUYÊN

(Tổng hợp từ AFP, Americas.irc)

Chia sẻ bài viết