07/10/2008 - 08:40

Khó người, dễ ta !

Hôm qua 6-10, Thủ tướng Israel Ehud Olmert bắt đầu chuyến thăm Nga, nhằm thuyết phục Mát-xcơ-va không bán các loại vũ khí tối tân cho Iran và Syrie, những quốc gia thù địch của Israel. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vừa thông qua nghị quyết về việc thành lập khu vực phi hạt nhân ở Trung Đông, vốn được xem là nhằm vào Israel, quốc gia duy nhất trong khu vực sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng không thừa nhận và không chịu sự giám sát của quốc tế.

Trước khi tới Mát-xcơ-va, ông Olmert có cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak, Tổng tham mưu trưởng quân đội Gaby Ashkenazi, Giám đốc Cơ quan An ninh Yuval Diskin và các quan chức khác về vấn đề an ninh. Giới chức quốc phòng Israel nhất trí kêu gọi Nga không cung cấp cho Iran và Syrie các hệ thống vũ khí hiện đại, vì “điều này có thể gây bất ổn ở khu vực”. Việc Iran đàm phán mua tên lửa phòng không tầm xa S-300 của Nga hay Syrie tăng cường hợp tác quân sự với Nga, đang làm gia tăng sự lo ngại tại Tel Aviv, nhất là trong bối cảnh Israel vẫn để ngỏ khả năng không kích các cơ sở hạt nhân của Iran. Sau cuộc gặp với ông Barak hôm 5-10. Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner cảnh báo Israel sẽ tấn công Iran trước khi nước này sản xuất thành công bom nguyên tử. Năm 2006, Israel cũng từng không kích một nhà máy bị tình nghi là cơ sở hạt nhân bí mật của Syrie.

Trong khi chương trình hạt nhân của Iran và Syrie vẫn còn đang tranh cãi về tính xác thực của nó, thì việc Israel sở hữu vũ khí hạt nhân gần như là điều chắc chắn. Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter gần đây tiết lộ thông tin gây chấn động, rằng Israel có ít nhất 150 đầu đạn hạt nhân, sản xuất từ những năm 1970-1980. Thế nhưng Israel vẫn một mực từ chối cho phép quốc tế giám sát chương trình hạt nhân của nước này, dù không thừa nhận cũng không bác bỏ việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Tại cuộc họp của IAEA hôm 4-10, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Ali Ashgar Soltanieh cho rằng tiềm lực hạt nhân của Israel mới thật sự là “mối đe dọa nghiêm trọng và lâu dài đối với an ninh của các nước láng giềng”. Ông Soltanieh cũng chỉ trích việc Mỹ và một số nước phương Tây bỏ phiếu trắng nghị quyết của IAEA về việc thành lập khu vực phi hạt nhân ở Trung Đông, nhằm ủng hộ chương trình hạt nhân của Israel, là “sự im lặng đáng hổ thẹn”. Không chỉ Iran, hầu hết các nước Hồi giáo khác đều xem Israel là mối đe dọa hạt nhân chủ yếu trong khu vực.

Trong khi đó, Mỹ và các nước đồng minh lại coi chương trình làm giàu uranium của Iran là sự uy hiếp lớn nhất đối với hòa bình Trung Đông. Chính vì tiêu chuẩn kép trong vấn đề hạt nhân và sự bao che của Mỹ mà Israel mới tự cho mình cái quyền ngăn cản các nước trong khu vực theo đuổi chương trình hạt nhân, trong khi bản thân lại ngang nhiên sở hữu hàng trăm quả bom nguyên tử. Rõ là “khó người, dễ ta”.

NGUYỄN MINH (Theo THX, AP, FNA)

Chia sẻ bài viết