07/06/2009 - 08:13

Khi cử tri Liban bị đe dọa!

Hôm nay (7-6), người dân Liban sẽ đi bỏ phiếu bầu quốc hội khóa mới. Đây được coi là cuộc bầu cử một mất một còn giữa liên minh cầm quyền và phe đối lập. Điều này có nghĩa “Liên minh 14-3” cầm quyền của cố Thủ tướng bị ám sát Rafik Hariri được phương Tây hậu thuẫn có khả năng thất bại nặng nề trước “Liên minh 8-3” do Hezbollah dẫn đầu.

Các thành viên Hezbollah tham gia chuẩn bị công tác bầu cử tại Beirut. Ảnh: Reuters

Phong trào Hồi giáo vũ trang dòng Shiite này chỉ cử 11 đại diện tham gia tranh cử, tức ít hơn 3 ghế đại biểu mà họ đang nắm giữ trong quốc hội sắp mãn nhiệm. Thực tế, đồng minh của Hezbollah là Phong trào Yêu nước Tự do của tướng về hưu Michel Aoun, nhà lãnh đạo phái Cơ đốc giáo, mới là đối thủ của liên minh cầm quyền. Trong quốc hội hiện nay, Hezbollah và chính đảng này chiếm 58 ghế, so với 70 ghế của “Liên minh 14-3”. Các nhà phân tích cho rằng liên minh cầm quyền thân phương Tây giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm 2005 là nhờ cái chết bi thảm và gây chấn động của nhà lãnh đạo Hariri. Phương Tây lúc đó phao tin rằng chính Syrie và Hezbollah đứng sau vụ ám sát đó. Nhưng thời gian sau, có giả thuyết cho rằng tình báo Israel có khả năng là kẻ chủ mưu nhằm tạo cớ buộc Syrie rút quân khỏi Liban sau 3 thập niên hiện diện.

Trong cuộc bầu cử lần này, phe đối lập đang nắm lợi thế nhờ danh tiếng của Hezbollah trong cuộc chiến với Israel hồi tháng 7-2006. Cuộc chiến đó dù Israel lấy danh nghĩa là triệt tiêu phong trào bị phương Tây coi là “khủng bố” nhưng đã khiến người dân Liban phẫn nộ bởi nó vi phạm chủ quyền và gây thiệt hại lớn về người và của. Nhưng dù “Liên minh 8-3” có giành chiến thắng, Hezbollah cũng sẽ không đứng ra thành lập chính phủ mà sẽ giao trọng trách này cho Tướng Aoun. Ông Aoun tuyên bố việc Phong trào Yêu nước Tự do hợp tác với Hezbollah là nhằm khuyến khích tổ chức đấu tranh vũ trang này giải giáp nếu cả hai được quyền thành lập chính phủ mới. Thế nhưng, Israel và Mỹ lo ngại khi liên minh này lên nắm quyền thì Hezbollah có cơ hội hiện đại hóa vũ khí bằng ngân sách nhà nước.

Bởi vậy, trong chuyến thăm Liban mới đây, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đe dọa Washington sẽ cắt viện trợ (chủ yếu là viện trợ quân sự) cho chính phủ tương lai của nước này nếu phe đối lập giành thắng lợi. Từ năm 2005 đến nay, Mỹ viện trợ hơn 500 triệu USD cho quân đội Liban. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak cảnh báo nếu điều đó xảy ra thì quân đội Israel sẽ phát động cuộc chiến mới không chỉ chống Hezbollah mà còn phá hủy hạ tầng dân sự của Liban. Theo ông Barak, quân đội Israel sẽ được tự do hành động hơn so với hồi chiến dịch quân sự đẫm máu cách đây 3 năm. Ngay cả ông Semi Gemayel, ứng cử viên và là nhà lãnh đạo Cơ đốc giáo của liên minh cầm quyền, cũng lên truyền hình nói rằng cuộc bầu cử lần này là sự lựa chọn giữa chiến tranh và hòa bình, giữa nguy cơ bị cô lập và nghèo đói như Dải Gaza của Palestine và một quốc gia Liban phát triển và văn minh.

Xem ra, cử tri Liban đang bị đe dọa khi cầm trên tay lá phiếu dân chủ!

KIẾN HÒA (Theo Reuters, NYTimes, Le Figaro, NP)

KIẾN HÒA (Theo Reuters, NYTimes, Le Figaro, NP)

Chia sẻ bài viết