Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Công, Trung Quốc hiện đối mặt với làn sóng nghỉ hưu của các doanh nhân lớn tuổi, đội ngũ xây dựng nên những công ty tư nhân từng châm ngòi cho sự bùng nổ kinh tế của quốc gia cũng như tạo ra tầng lớp trung lưu cho đất nước.
Tỉ phú Mã Vân và con trai Mã Nguyên Khôn.
Gần đây có 7 tỉ phú Trung Quốc thông báo nghỉ hưu, gồm ông Mã Vân - Chủ tịch hãng thương mại điện tử Alibaba, ông Nhậm Chính Phi - Chủ tịch tập đoàn viễn thông Huawei, ông Dương Quốc Cường - Chủ tịch tập đoàn bất động sản Country Garden, bà Wu Yajun - Chủ tịch Longfor Properties, ông Zhu Gongshan - Chủ tịch GCL Powers, ông Cao Dewang - Chủ tịch Fuyao Glass và ông Wan Long - Chủ tịch WH Group. Họ có tuổi trung bình là 65 và có lĩnh vực kinh doanh trải dài từ công nghệ, bất động sản, năng lượng, cho đến tiêu dùng và công nghiệp.
Hiện có 6/7 doanh nhân trên tuyên bố sẽ chuyển giao công ty sang cho con, hoặc có động thái sẽ làm điều đó. Đơn cử, Cao Dewang hồi tháng 6-2018 cho biết Fuyao Glass đã chi 224 triệu NDT để thu mua công ty do con trai ông thành lập, nhằm dọn đường để vị này trở về làm Chủ tịch tập đoàn trong tương lai.
Tuy vậy, cuộc điều tra hồi năm ngoái của PwC cho thấy so với các doanh nhân thế giới, ý định chuyển giao công ty cho con cái của các doanh nhân Trung Quốc thấp hơn, với tỷ lệ 42% so với tỷ lệ trung bình trên toàn cầu là 57%. Một phần nguyên nhân là do thế hệ thứ hai trong các gia đình doanh nhân Trung Quốc nhìn nhận công ty mà họ sắp thừa hưởng có giá trị gia tăng thấp và kém hấp dẫn hơn các mảng kinh doanh mà họ có thể đảm nhận ở những ngành như ngân hàng, đầu tư và công nghệ.
Mặt khác, một số người thừa kế muốn chứng tỏ bản thân bằng cách lập công ty riêng hoặc nắm bắt cơ hội khác. Một số vui lòng đưa những quản lý chuyên nghiệp bên ngoài vào điều hành công ty gia đình.
Trên thực tế, một số doanh nhân Trung Quốc đã bắt đầu chọn giải pháp chuyển giao quyền lực cho người ngoài. Chẳng hạn như trường hợp của Chủ tịch Alibaba Mã Vân, Chủ tịch hãng máy tính Lenovo Liễu Truyền Chí và nhà sáng lập tập đoàn Midea Group Hà Hưởng Kiện.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Song Qinghui tại Thâm Quyến cho hay các quản lý bên ngoài thường không trụ lại lâu trong các doanh nghiệp gia đình bởi họ ít được tín nhiệm như thành viên gia đình. Điển hình như việc Chủ tịch hãng sản xuất đồ trang sức NeoGlory Group - bà Zhou Xiaoguang dù đã đưa 3 tổng giám đốc bên ngoài vào điều hành công ty, nhưng cuối cùng vẫn để con trai tiếp quản vào năm 2011.
Một thách thức khác đối với các gia đình giàu có Trung Quốc là làm thế nào để lèo lái doanh nghiệp của họ trong kỷ nguyên cách mạng công nghệ hiện nay (còn gọi là Cách mạng Công nghiệp 4.0) - nơi sự hợp nhất của các công nghệ đang làm mờ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Sự thay đổi sâu sắc này đang lan rộng khắp Trung Quốc với những công nghệ cực kỳ đột phá, khiến Trung Quốc nỗ lực chuyển từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế dịch vụ và hướng tới người tiêu dùng.
Nói về thách thức trên, Jeremy Cheng tại Trung tâm doanh nghiệp gia đình và doanh nhân châu Á Tanoto nhận định: “Thay vì nghĩ đến chuyện truyền cho con cái, các gia đình nên nghĩ đến việc tận dụng tài năng của thế hệ tiếp theo để tạo ra những dự án mới - trong hoặc ngoài gia đình”.
ĐÔNG PHONG