09/12/2024 - 08:41

Kế hoạch của ông Trump cho Ukraine gây chú ý 

Theo hãng tin Reuters, đề xuất chấm dứt cuộc chiến Ukraine mà Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể đưa ra sẽ tập trung 2 điểm chính, đó là yêu cầu Kiev nhượng bộ về lãnh thổ và loại bỏ khả năng họ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) trao đổi cùng Tổng Thư ký NATO Mark Rutte tại Brussels, Bỉ. Ảnh: AP

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cam kết chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong 24 giờ khi ông trở lại Nhà Trắng vào ngày 20-1-2025. Dựa vào tính chất phức tạp của cuộc chiến, nhiều quan chức an ninh hết sức nghi ngờ chính quyền mới của Mỹ làm thế nào thực hiện lời hứa đó.

Đến nay, tỉ phú New York chưa cho biết kế hoạch hòa bình là gì. Song, ứng viên Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói rằng ông Trump “sẽ làm những gì cần thiết” để khôi phục hòa bình, bên cạnh mục tiêu xây dựng lại sức mạnh cũng như khả năng răn đe của Mỹ trên trường quốc tế.

Dẫn lời một cựu quan chức an ninh, Reuters cho biết 3 cố vấn chủ chốt gồm Phó Tổng thống đắc cử Mỹ JD Vance, cựu Giám đốc Tình báo quốc gia Richard Grenell và phái viên sắp tới của ông Trump về vấn đề Nga - Ukraine, Trung tướng Lục quân hồi hưu Keith Kellogg đều có đề xuất. Điểm chung không có gì ngoài loại bỏ tư cách thành viên NATO của Ukraine khỏi cuộc thảo luận.

Trong diễn biến liên quan, Tổng Thư ký NATO Mark Rutte đang dẫn đầu nỗ lực mới thúc đẩy các thành viên tăng chi tiêu quốc phòng. Vào tháng 7, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đối tác NATO đã thông qua việc thay đổi cách liên minh quân sự phản ứng trước bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga. Theo kế hoạch mới, NATO dự định đặt hơn 300.000 quân trong tình trạng sẵn sàng di chuyển đến sườn phía Ðông trong 30 ngày. Ðể làm được điều đó, các quốc gia phải chi 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng thay vì 2% hiện nay. Trước đó, ông Trump đe dọa không bảo vệ đồng minh NATO nào “vi phạm” nghĩa vụ tài chính. Với tương lai ông Trump ở Nhà Trắng, người đứng đầu NATO nói rằng khối có thể công bố mức chi tiêu mới vào năm tới.

Theo Reuters, đề xuất do Tướng Kellogg và cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Fred Fleitz soạn thảo từng được gửi đến ông Trump đầu năm 2024, kêu gọi đóng băng các chiến tuyến hiện tại. Dựa vào tương tác trực tiếp giữa ông Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Nhà Trắng sẽ xem xét “trao đổi có điều kiện” để đưa Mát-xcơ-va và Kiev vào bàn đàm phán. Theo đó, Mỹ chỉ tiếp tục viện trợ khi Ukraine đồng ý đàm phán hòa bình. Kiev cũng nhận được đảm bảo an ninh từ Washington sau khi đạt thỏa thuận. Nếu Điệm Kremlin từ chối đối thoại, ông Trump sẽ cân nhắc chuyển giao vũ khí “chưa từng có” cho Kiev.

Trong khi đó, Phó Tổng thống đắc cử Vance hồi tháng 9 từng đưa ra ý tưởng về thỏa thuận có thể bao gồm khu phi quân sự trên tiền tuyến giúp ngăn các cuộc xâm nhập tiếp theo của Nga. Cựu Giám đốc Tình báo quốc gia Grenell thì tỏ ý ủng hộ lập “khu tự trị” ở miền Đông Ukraine. Ông còn nói rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine không nằm trong lợi ích của Mỹ.

Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Mát-xcơ-va không bình luận từng tuyên bố riêng lẻ. Nhưng có thể thấy Tổng thống Putin chưa sẵn sàng từ bỏ các điều kiện trước đây, vậy nên Nga cũng không vội mà sẽ chờ xem ông Trump đưa ra nhượng bộ gì. Trước đó, Nga đã yêu cầu Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và chấp nhận 4 tỉnh Mát-xcơ-va đã sáp nhập.

Gần đây, Tổng thống Zelensky tỏ ý sẵn sàng đàm phán khi Kiev đối mặt tình trạng thiếu nhân lực và mất lãnh thổ. Nhưng ông vẫn có khả năng phản đối một số điều kiện, nhất là tư cách thành viên NATO vốn là một phần quan trọng trong “Kế hoạch Chiến thắng” do ông đề ra.

Bên kia Đại Tây Dương, các đồng minh NATO đang tăng gấp đôi nỗ lực cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine vốn dần mất đi thế trận; đồng thời xem xét nhiều kịch bản đàm phán để chấm dứt chiến tranh. Một lựa chọn khả thi là tạo ra khu phi quân sự và quân đội châu Âu có thể bảo vệ khu vực này.

MAI QUYÊN (Theo AP)

 

Chia sẻ bài viết