18/10/2009 - 13:42

Iraq đau đầu với nạn bắt cóc trẻ em

Bạo lực sắc tộc lắng xuống, tình hình an ninh được cải thiện nhưng cuộc sống người dân Iraq vẫn chưa thể yên bình. Tội ác bạo lực hoành hành khắp nơi khiến cư dân xứ sở nghìn lẻ một đêm luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm “ăn không ngon, ngủ không yên”. Nhiều tháng qua, Thủ đô Baghdad chấn động bởi hàng loạt vụ bắt cóc mà đa phần nhằm vào trẻ em.

Cả tháng nay, gia đình Mousauwi như đang có tang. Kể từ ngày bé Muntadar (11 tuổi) bị bắt cóc trên đường phố Baghdad, gia đình không còn cơ hội nhìn thấy quí tử dù chỉ một lần. “Hãy nhìn nơi họ nhốt thằng bé. Làm sao nó không hoảng sợ khi bị giam cầm ở một nơi như thế”, anh Yussef, cha của nạn nhân, vừa nói vừa chỉ vào tấm hình bọn bắt cóc gửi cho ông. Bọn chúng liên lạc với ông qua điện thoại và Yussef đồng ý trả 25.000 USD để chuộc lại con. “Chúng nói sẽ thả con trai tôi trong vòng 1 giờ sau khi nhận được tiền. Nhưng linh cảm người cha cho tôi biết thằng nhỏ đã bị chúng thủ tiêu ngay trong ngày bị bắt cóc. Tôi đã trả đủ tiền chuộc nhưng không thể đón con về”, Yussef kể trong nước mắt.

Không lâu sau, bọn bắt cóc con của Yussef bị sa lưới. Chúng chẳng phải ai xa lạ mà chính là nhóm người sống đối diện nhà anh. Khoảng 1 tuần sau ngày Muntadar mất tích, hàng xóm gần nhà báo với cảnh sát về mùi hôi tanh bốc ra từ nhà kế bên. Tìm kiếm bên trong, người ta phát hiện xác bé Muntadar bị vùi lấp dưới gạch vụn và đang trong giai đoạn phân hủy, toàn thân bị axít làm biến dạng. “Chúng cố giấu cái xác nhưng mùi hôi thối thì không thể che giấu được. Nó vẫn còn nồng nặc trong không khí”, Yussef kể tiếp.

Đồng tuổi với Muntadar, Muhsin Mohammed Muhsin ở quận Sadr City (phía Đông Baghdad - ảnh) cũng chịu chung số phận thảm khốc khi chẳng may rơi vào tay bọn bắt cóc. Muhsin vĩnh viễn không thể nhìn thấy bố mẹ kể từ buổi trưa 31-8 định mệnh sau khi em rời bước khỏi đám tang cách nhà không xa. Một mặt nhờ cảnh sát truy tìm tung tích con, một mặt gõ cửa khắp các bệnh viện kết hợp với dán ảnh con khắp nơi nhưng gia đình Mohammed Muhsin vẫn vô vọng. Hai ngày sau, bọn bắt cóc gọi tới và ra thời hạn trong vòng 48 giờ phải giao 100.000 USD. “Tôi nói với chúng rằng gia đình chỉ có thể xoay xở được 10.000 USD. Qua hôm sau, cảnh sát tìm thấy xác thằng bé trong đống rác với đầu và hai tay đứt lìa, toàn thân thì đầy các vết bỏng và lằn roi tra tấn”, ông Mohammed đau đớn kể lại. Theo Mohammed, có lẽ gia cảnh khá giả đã khiến con trai ông trở thành mục tiêu của bọn bắt cóc.

Trên thực tế, rất nhiều vụ bắt cóc ở Baghdad bị ém nhẹm vì gia đình nạn nhân không muốn gây thù chuốc oán với bọn bắt cóc. Nhà chức trách không thể thống kê chính xác bao nhiêu vụ bắt cóc đã xảy ra từ đầu năm tới nay nhưng ước tính trung bình mỗi ngày có một trẻ bị bắt. Hiện nay, các trụ điện và tường bê-tông ở Baghdad dán đầy hình trẻ em mất tích. Theo nhận định của cảnh sát, ngoài một số băng nhóm bắt cóc đơn thuần đòi tiền chuộc, các tổ chức nổi dậy đứng sau hầu hết các vụ bắt cóc dã man ở Baghdad và nhiều tỉnh thành khác ở Iraq, ước tính 60-70% vụ. Tướng Faisal Mohsin, chỉ huy cao cấp cảnh sát Baghdad cho rằng lực lượng nổi dậy đang đẩy mạnh các hoạt động tội phạm, đặc biệt là bắt cóc trẻ em, để tìm nguồn tiền duy trì hoạt động chống phá khi mà các nguồn viện trợ từ bên ngoài bị lực lượng an ninh cắt đứt.

Vấn nạn bắt cóc trẻ em ở Iraq trở nên báo động đến mức mới đây Bộ Giáo dục nước này ra chỉ thị hướng dẫn các trường triển khai các biện pháp ngăn chặn đặc biệt. Ngoài việc tăng cường lực lượng tuần tra, cảnh sát còn bố trí nhiều chốt canh quanh trường học. Theo qui định, nhà trường không được cho học sinh về nhà với bất kỳ ai trừ cha mẹ chúng hoặc bằng xe buýt của trường.

Rawan đang sống an toàn cùng bố và hai chị trong ngôi nhà đơn sơ cạnh một thánh đường Hồi giáo ở phía Nam Baghdad. Tháng trước, bé gái 4 tuổi này may mắn được bọn bắt cóc trả tự do sau khi chúng biết gia đình nạn nhân thật sự không có khả năng thanh toán tiền chuộc. Băng nhóm bắt giữ em đến giờ vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Anh Taiseer, cha của bé, ao ước một ngày nào đó con gái mình có thể đến trường hoặc chơi giỡn bên ngoài mà không cần người trông chừng. Tuy nhiên, cái ngày đó chắc chưa thể đến trong nay mai khi mà bọn tội phạm ngày càng coi trời bằng vung bởi chúng biết chính phủ Iraq còn đang đau đầu với các vụ đánh bom liều chết và các vụ tấn công của lực lượng nổi dậy vẫn diễn ra hằng ngày ở Baghdad và miền Bắc.

SONG NGỌC (Theo BBC, AP)

Chia sẻ bài viết