24/08/2007 - 10:42

Iran tranh thủ láng giềng gần

Hôm qua, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejah rời Thủ đô Baku, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức 2 ngày lần đầu tiên tới nước láng giềng Azerbaijan. Phát biểu trước báo giới, ông Ahmadinejad tuyên bố Tehran và Baku có mối quan hệ “anh em sâu đậm” và hợp tác tốt đẹp trên tất cả các cấp độ và lĩnh vực (theo một số thống kê, tại phía Bắc Iran có khoảng 16-30 triệu người gốc Azerbaijan sinh sống, tức đông hơn nhiều so với 8 triệu dân của cả nước Azerbaijan hiện nay). Tổng thống nước chủ nhà Ilham Aliev thì đánh giá cao chuyến thăm của ông Ahmadinejad và bày tỏ tin tưởng rằng quan hệ giữa hai nước sẽ vươn tới tầm cao mới. Nhân chuyến thăm lịch sử này, Iran và Azerbaijan đã ký kết 5 thỏa thuận hợp tác. Nhưng quan trọng hơn hết có lẽ là việc Baku khẳng định sẽ không cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ của mình làm bàn đạp tấn công một nước thứ ba, cụ thể là Iran.

Trước đây, Azerbaijan từng cho phép Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ cầm đầu sử dụng không phận để tiếp cận Afghanistan và khu vực Trung Á. Là đồng minh then chốt của Mỹ trong khu vực, Azerbaijan còn được Lầu Năm Góc viện trợ quân sự và tham gia tập trận chung. Và khác với các nước Trung Á còn lại, Azerbaijan không tham gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Nga và Trung Quốc nắm vai trò chủ đạo, hay Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Mát-xcơ-va đứng đầu, mà trở thành thành viên của GUAM (Gruzia, Ukraina, Azerbaijan và Moldova) vốn được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn.

Là nước có nguồn dầu khí tương đối lớn, Azerbaijan đã chấp thuận, theo kiến nghị của Mỹ, kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt xuyên Caspie, đi từ Baku qua Tbilisi (Gruzia) tới Ceyhan (Thổ Nhĩ Kỳ). Mục tiêu của đường ống trị giá nhiều tỉ USD này là làm giảm sự phụ thuộc của phương Tây vào nguồn cung ứng năng lượng do Nga kiểm soát tại Trung Á. Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ còn thông báo Nhà Trắng đã cử người tới Azerbaijan để nghiên cứu khả năng mở rộng đường ống nói trên tới Turkmenistan và Kazakhstan. Với bước đi này, theo các nhà phân tích, Washington có thể thách thức hợp đồng mua 40 tỉ mét khối khí/năm kéo dài trong 5 năm mà Nga đã ký với Kazakhstan, Turkmenistan và Uzbekistan, và cả thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn dầu đi từ Turkmenistan qua Kazakhstan đến Trung Quốc mà Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vừa giành được trong chuyến thăm Trung Á mới đây.

Với vị trí của mình, Azerbaijan đang được nhiều cường quốc “ve vãn”. Dù là đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Á, nhưng theo các nhà quan sát, Baku gần đây thể hiện nguyện vọng thắt chặt hơn nữa quan hệ với Tehran, Mát-xcơ-va cũng như Bắc Kinh nhằm tạo thế cân bằng an ninh trong bối cảnh Trung Á vẫn chưa hết ám ảnh bởi các cuộc “cách mạng sắc màu” do Washington đứng đằng sau giật dây. Trong tình thế như vậy, chuyến thăm Azerbaijan của Tổng thống Ahmadinejad để tranh thủ sự ủng hộ của người láng giềng gần được xem là rất hợp thời.

PHÚC NGUYÊN
(Tổng hợp từ AFP, Kommersant)

PHÚC NGUYÊN(Tổng hợp từ AFP, Kommersant)

Chia sẻ bài viết