21/08/2020 - 06:44

Indonesia mất kiểm soát COVID-19, vì sao? 

Indonesia hiện nằm trong số những nước có tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 thấp nhất thế giới và việc theo dõi tiếp xúc được thực hiện rất “khiêm tốn”. Thậm chí khi số ca nhiễm tăng vọt, giới chức quốc gia Đông Nam Á vẫn nói không với biện pháp phong tỏa do những lo ngại về kinh tế và an ninh.

Indonesia dùng quan tài giả để cảnh báo người dân về COVID-19. Ảnh: Reuters

Indonesia dùng quan tài giả để cảnh báo người dân về COVID-19. Ảnh: Reuters

Quốc gia đông dân thứ tư thế giới không cho thấy dấu hiệu khống chế được SARS-CoV-2. Indonesia có tốc độ lây nhiễm nhanh nhất khu vực Đông Á, với 17% trường hợp được xét nghiệm có kết quả dương tính, thậm chí lên tới gần 25% bên ngoài thủ đô Jakarta. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ đó trên 5% nghĩa là dịch bệnh đã nằm ngoài tầm kiểm soát.

Phát ngôn viên văn phòng Chính phủ Indonesia Wiku Adisasmito cho rằng số ca nhiễm ở nước này là “lời cảnh báo” để Indonesia không ngừng cải thiện nỗ lực xử lý dịch bệnh. Ông còn nói số ca dương tính trên đầu người tại Indonesia thấp hơn phần lớn các nước khác. Tính đến chiều ngày 20-8, Indonesia ghi nhận gần 145.000 ca nhiễm trên tổng số 270 triệu dân và nó thua xa con số hàng triệu ca ở Mỹ, Brazil, Ấn Độ và cũng ít hơn cả Philippines (trên 178.000 ca). Tuy nhiên, tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia hiện là nước có nhiều ca tử vong nhất với 6.346 người.

Vì nhiều nguyên nhân

Thật ra, bức tranh thực tế về dịch bệnh tại nước này có thể vẫn chưa đầy đủ. Đó là so với Indonesia, Ấn Độ và Philippines thực hiện xét nghiệm COVID-19 trên đầu người nhiều hơn gấp 4 lần, trong khi Mỹ hơn gấp 30 lần.

Hơn 20 quan chức và chuyên gia y tế công cộng Indonesia nói rằng khi đại dịch bùng phát, chính phủ đã phản ứng chậm chạp cũng như lưỡng lự hé lộ những gì họ biết cho công chúng. Bất kể số ca mắc tại những quốc gia láng giềng tăng cao và Indonesia đầu tháng 2 cũng đã sở hữu 3.000 bộ xét nghiệm PCR -  phương pháp xét nghiệm được WHO cấp phép để phát hiện SARS-CoV-2, chính phủ nước này thừa nhận cho đến ngày 2-3 chỉ thực hiện chưa tới 160 xét nghiệm PCR. Vào ngày 13-3, Tổng thống Indonesia Joko Widodo giải thích rằng chính phủ che giấu thông tin vì không muốn “gây hoảng loạn” trong dân chúng.

Theo Alvin Lie, một quan chức tại cơ quan thanh tra Indonesia, việc ông Widodo hồi tháng 3 kêu gọi đẩy mạnh xét nghiệm chẩn đoán nhanh có thể đã làm suy yếu hệ thống xét nghiệm của nước này. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh phương pháp xét nghiệm nhanh, tức phân tích mẫu máu để tìm kháng thể, đạt độ chính xác thấp hơn nhiều so với PCR. Các nguồn tin nói với Hãng Reuters rằng nỗ lực của ông Widodo đã làm lệch hướng đầu tư nguồn lực. Trong khi đó, các đơn vị nhập khẩu công cụ xét nghiệm nhanh, bao gồm những doanh nghiệp nhà nước, được cho đã thu lợi nhuận “khủng” bằng cách bán ra với giá 68 USD, mặc dù mỗi xét nghiệm chỉ tốn 3,5 USD.

Hồi giữa tháng 4, chính quyền các tỉnh ở Tây Java, Bali và Yogyakarta cho rằng xét nghiệm nhanh được thực hiện tại đây đã cho ra hàng trăm kết quả dương tính và âm tính giả. Thế nhưng xét nghiệm nhanh vẫn được thực hiện rộng rãi và mãi đến tháng 7 các công ty mới ngừng nhập khẩu các bộ xét nghiệm này. Khi đó, Indonesia cũng chính thức khuyến cáo các chính quyền địa phương không dùng phương pháp xét nghiệm nhanh để chẩn đoán bệnh, tuân theo những hướng dẫn mới về kiểm soát và phòng COVID-19. Dù vậy, trong kho vẫn còn lượng lớn bộ xét nghiệm nhanh và thiết bị này vẫn đang được sử dụng khá phổ biến, bao gồm cho giới nhân viên văn phòng và du khách để họ được phép tự do đi lại trong 14 ngày. Dữ liệu từ Tây Java, tỉnh đông dân nhất Indonesia với 50 triệu dân, cho thấy nơi đây thực hiện xét nghiệm nhanh nhiều hơn phương pháp PCR 50%.

Được biết, 269 phòng xét nghiệm được trang bị máy xét nghiệm PCR của Indonesia đang hoạt động, nhưng không thể đáp ứng được nhu cầu bởi số ca mắc COVID-19 tăng cao. Số trường hợp nghi nhiễm, tức có các triệu chứng của bệnh nhưng không được xét nghiệm, đã tăng gấp đôi lên 79.000 ca hồi tháng rồi. Một phần là do năng lực phòng xét nghiệm vẫn chưa được tận dụng hết mức. Theo một quan chức cấp cao thuộc Bộ Y tế Indonesia, nước này có thể xét nghiệm 30.000 người/ngày, nhiều gấp đôi mức trung bình 12.650 người/ngày được xét nghiệm trong tháng 7. Không sử dụng được năng lực xét nghiệm của Indonesia còn bởi quản lý yếu kém, từ đó dẫn đến thiếu hụt đội ngũ xét nghiệm và các hóa chất liên quan.

 

Indonesia vừa quyết định tạm hoãn triển khai dự án dời thủ đô đến đảo Borneo trong bối cảnh đất nước với hơn 13.000 hòn đảo này đang nỗ lực khống chế đại dịch COVID-19. Bộ trưởng Kế hoạch phát triển quốc gia Suharso Monoarfa cho rằng việc khởi công có thể bị trì hoãn cho đến năm 2022 hoặc 2023  vì chính phủ đang tập trung nghiên cứu và sau đó phân phối vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Theo kế hoạch ban đầu, dự án dời thủ đô trị giá 33 tỉ USD này sẽ được khởi công vào đầu năm tới.

 

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết