18/04/2020 - 07:18

Hy vọng từ công cuộc tìm kiếm vaccine và thuốc điều trị 

Sáng 17-4, cổ phiếu Công ty công nghệ sinh học Mỹ Gilead Sciences đã tăng 16% sau khi có thông tin thử nghiệm lâm sàng thuốc Remdesivir (ảnh) của hãng này cho kết quả tốt trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

Tín hiệu lạc quan

Ảnh: AFP

Là một trong 152 cơ sở tham gia thử nghiệm thuốc Remdesivir, Đại học Chicago đã chữa trị 125 bệnh nhân, bao gồm 113 ca nặng. Họ nhận thấy các bệnh nhân đã “hồi phục nhanh” các triệu chứng sốt và hô hấp. Phần lớn trong số họ xuất viện trong chưa đầy 1 tuần và chỉ có 2 trường hợp tử vong.

Kết quả trên tuy nhỏ nhưng là tín hiệu đầy triển vọng. Thuốc Remdesivir là một trong những liệu pháp nổi bật nhất đang được nghiên cứu để điều trị bệnh nhân COVID-19. Gilead đang tiến hành hai cuộc thử nghiệm Remdesivir trên những bệnh nhân mức độ tương đối và nặng, với mục tiêu “tuyển” 4.000 người tham gia. Hãng này bắt đầu nghiên cứu khả năng điều trị COVID-19 của thuốc Remdesivir hồi tháng 2, thời điểm dịch bệnh ở Trung Quốc đạt đỉnh. Hiện chưa có thuốc nào được cấp phép điều trị COVID-19.

Khi nào có vaccine?

Các nhà khoa học như Trưởng cố vấn khoa học của Chính phủ Anh Patrick Vallance và Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ  Anthony Fauci liên tục khẳng định phải mất 12-18 tháng nữa mới có vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, các ý kiến khác, bao gồm những chuyên gia tham gia cuộc đua điều chế vaccine, tin rằng sẽ có vaccine sớm nhất vào tháng 6 tới.

Về vấn đề này, Marian Wentworth, Giám đốc điều hành tổ chức Management Sciences for Health, cho rằng nếu nói về việc sử dụng vaccine để tiêm chủng mở rộng, thì 12-18 tháng có thể đúng. Nhưng vaccine thử nghiệm đủ an toàn và hiệu quả để triển khai theo cách hạn chế hơn, dành cho những nhóm nguy cơ cao như các nhân viên y tế, thì có thể tung ra trong vòng vài tuần hoặc vài tháng tới.

Thông thường, một loại vaccine được phát triển trong phòng thí nghiệm trước khi tiến hành thử nghiệm trên động vật. Nếu an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch triển vọng ở giai đoạn tiền lâm sàng, vaccine tiếp tục được thử nghiệm trên người hoặc bước vào những thí nghiệm lâm sàng. Các cuộc thí nghiệm này được chia thành 3 giai đoạn, càng về sau giai đoạn thử nghiệm càng kéo dài và có nhiều người tham gia hơn. Song song với các giai đoạn này, năng suất tạo ra vaccine cũng phải được xây dựng từng bước, để các nhà máy có khả năng sản xuất với quy mô lớn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có 70 loại vaccine phòng ngừa COVID-19 đang trong quá trình phát triển, với 3 loại được xem có triển vọng nhất và đang được thử nghiệm trên người. Đứng đầu là vaccine do hãng dược CanSino Biologics hợp tác với Viện công nghệ sinh học Bắc Kinh chế tạo và 2 loại khác của các công ty dược Moderna và Inovio ở Mỹ.

Vaccine của CanSino Biologics đã bắt đầu giai đoạn hai của cuộc thử nghiệm tại Trung Quốc. Trong khi đó, Inovio vừa nhận được khoản tài trợ để tiến hành các thử nghiệm vaccine tương tự tại Hàn Quốc.

Hôm 16-4, hãng Moderna thông báo nghiên cứu vaccine của họ sẽ mở rộng sang những người lớn tuổi, chia đối tượng này thành 2 nhóm: 51-70 tuổi và trên 70 tuổi. Đây là những nhóm tuổi có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao nhất. Hiện vaccine này chỉ được thử nghiệm ở những người trung niên và người trẻ khỏe mạnh. Moderna cũng “khoe” khoản tài trợ mới từ Chính phủ Mỹ để tăng tốc quá trình phát triển vaccine có mã mRNA-1273.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, Guardian)

Chia sẻ bài viết