Sau đợt tấn công trên khắp Yemen vừa qua, các nhà quan sát cho biết liên minh do Mỹ dẫn đầu chống lại nhóm Houthi chưa đạt được chiến thắng quân sự; ngược lại Washington đang kiến tạo cơ hội để nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn thúc đẩy tính hợp pháp không chỉ ở trong nước mà cả khu vực.

Chiến binh Houthi tự coi mình là một phần của “trục kháng cự” chống lại Mỹ và Israel. Ảnh: WSJ
Lịch sử "chiến trận" của Houthi
Phong trào Houthi, còn được gọi là Ansarallah (Những người ủng hộ Chúa). Ðây là phong trào Hồi giáo kết hợp chính trị và vũ trang, đại diện cho người Zaidi thuộc nhánh thiểu số của cộng đồng Hồi giáo dòng Shiite vốn chiếm khoảng 25% dân số Yemen. Nhóm xuất hiện ở Sa'dah (Bắc Yemen) vào năm 1992, khi hai anh em Hussein và Mohammed al-Houthi lập tổ chức mang tên "Thanh niên Tin tưởng" (BY). Mục tiêu của nhóm là phục hưng văn hóa của người Zaidi và chống chủ nghĩa Sunni cực đoan, đặc biệt chủ nghĩa Wahhabi từ Saudi Arabia. Sau chiến tranh Iran - Iraq, BY công khai bộc lộ quan điểm chống Mỹ và bài Do Thái.
Bên cạnh các nhóm vũ trang như phong trào Hồi giáo của người Palestine Hamas và Hezbollah ở Lebanon, Houthi cũng tự tuyên bố mình là một phần của "trục kháng cự" do Iran lãnh đạo. Theo chuyên gia quan hệ quốc tế Stacey Philbrick Yadav, mục tiêu các cuộc nổi dậy của Houthi chống lại Tổng thống đầu tiên của Yemen Ali Abdullah Saleh vào đầu những năm 2000 là để giành quyền tự chủ lớn hơn cho khu vực phía Bắc Yemen. Ðược biết, người Zaidi từng cai trị Yemen trong nhiều năm cho tới khi chế độ Sunni lên nắm quyền sau nội chiến năm 1962. Kể từ đó, nhiều người Hồi giáo Zaidi bị gạt ra ngoài lề và ngày càng bất mãn trước tình hình họ coi là bị đàn áp về di sản văn hóa và tôn giáo trong khi Hồi giáo theo phái Salafi của người Saudi Arabia ngày càng nổi bật ở Yemen. Nhóm Houthi cũng phẫn nộ với những gì họ cho là nạn tham nhũng tràn lan và sự quản lý yếu kém trong chính phủ Yemen.
Mọi chuyện lên đến đỉnh điểm vào năm 2003, khi ông Saleh ủng hộ việc Mỹ đưa quân đến Iraq, điều mà nhiều người Yemen phản đối. Ông al-Houthi nhân cơ hội này đã tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ rầm rộ. Sau nhiều tháng hỗn loạn, ông bị lực lượng chính phủ Yemen tiêu diệt vào tháng 9-2004. Tuy nhiên phong trào của ông vẫn tồn tại và nhóm cũng chính thức đổi tên thành Houthi.
Trong làn sóng Mùa xuân Arab năm 2011, cuộc nổi dậy của quần chúng đã buộc Tổng thống Saleh chuyển giao quyền lực cho cấp phó Abdrabbuh Mansour Hadi. Tuy nhiên, chính phủ của Tổng thống Hadi cũng tràn ngập vấn đề trong khi nhóm Houthi ngày càng lớn mạnh. Năm 2014, Houthi liên minh với ông Saleh và giành quyền kiểm soát tỉnh Saada phía Bắc trước khi chiếm thủ đô Sanaa. Một năm sau, Houthi chiếm giữ phần lớn miền Tây Yemen và buộc ông Hadi trốn ra nước ngoài. Trước tình hình này, chính phủ Yemen lưu vong đã yêu cầu trợ giúp từ các đồng minh ở Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Do lo ngại Houthi tiếp quản Yemen và biến nước này thành "vệ tinh" của đối thủ Iran, Riyadh lập liên minh can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen vào tháng 3-2015. Trong chiến dịch can thiệp vào Yemen, Saudi Arabia đã huy động 100 máy bay chiến đấu và 150.000 binh sĩ tham gia. Máy bay của quân đội UAE, Ai Cập, Maroc, Jordan, Sudan, Kuwait, Qatar và Bahrain cũng đã tham gia vào các hoạt động quân sự này… Riêng UAE đưa cả chục ngàn binh sĩ đổ bộ sang Yemen. Tưởng rằng với sức mạnh quân sự hùng mạnh như vậy, phiến quân Houthi sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt. Nhưng nhiều năm không kích và giao tranh trên bộ vẫn không thể đánh bật Houthi khỏi phần lớn lãnh thổ mà họ chiếm giữ.
Cũng phải nói thêm vào tháng 9-2017, sau hơn 2 năm bắt tay với Houthi, do mâu thuẫn nảy sinh, cựu Tổng thống Saleh ra lệnh cho lực lượng trung thành với mình ở thủ đô ngừng nhận lệnh từ Houthi cũng như quân đóng tại thành phố miền Nam Aden lợi dụng tình hình hỗn loạn để tiến về phía Bắc và đánh vào các cứ điểm của Houthi tại đây. Tuy nhiên, Houthi đã đánh bại đội quân của ông Saleh và thủ tiêu luôn ông này trong quá trình trốn chạy khỏi thủ đô Sanaa.
Cuộc xung đột trên đã làm thiệt mạng hơn 150.000 người. Lệnh ngừng bắn do Liên Hiệp Quốc làm trung gian tại Yemen có hiệu lực từ tháng 4-2022. Lệnh ngừng bắn hết hạn vào tháng 10-2022, nhưng phần lớn vẫn được duy trì kể từ đó, trong khi các nỗ lực nhằm xây dựng hòa bình lâu dài ở nước này vẫn chưa có kết quả.
Houthi hiện kiểm soát 2/3 lãnh thổ quốc gia, bao gồm thủ đô Sanaa và cảng Hudaydah quan trọng ở Biển Ðỏ.
Nâng cao vị thế chính trị
Lịch sử "chiến trận" trên đã cho thấy sức mạnh quân sự và độ thiện chiến của Houthi. Một số liệu cho thấy hồi cuối năm 2011, Houthi đã trở thành lực lượng phiến quân có tới hơn 40.000 tay súng và hiện đang có trong tay hàng trăm ngàn chiến binh. Iran công khai ủng hộ Houthi nhưng phủ nhận việc cung cấp vũ khí hay huấn luyện lực lượng này.
Theo Ðài CNN, vũ khí do Houthi sản xuất trước đây phần lớn được lắp ráp từ các linh kiện của Iran được buôn lậu vào Yemen. Houthi sau đó đã tiến hành sửa đổi nâng cấp để tạo nên những cải tiến tổng thể lớn. Houthi sở hữu nhiều loại vũ khí tiên tiến như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình diệt hạm, xuồng tự sát không người lái. Ðáng chú ý, năm 2018, Houthi đã cho ra mắt máy bay không người lái (UAV) có tầm hoạt động 1.200-1.500km, cho phép tung đòn tấn công nhằm vào Saudi Arabia và UAE.
Trong khi đó, kể từ khi chiến sự bùng phát ở Dải Gaza vào tháng 10-2023, Houthi phóng nhiều tên lửa và UAV nhắm vào Israel. Giữa tháng 11-2023, nhóm tiến hành cướp một tàu thương mại ở Biển Ðỏ và tính đến nay, Houhthi đã tiến hành hàng chục cuộc tấn công nhằm vào tàu thuyền được cho đang hướng tới hoặc rời khỏi các cảng của Israel. Phong trào này tuyên bố muốn hỗ trợ người dân Palestine đối đầu sự xâm lược và bao vây ở Gaza. Sau các cuộc không kích của liên minh Mỹ và Anh nhằm vào Houthi hôm 11-1, nhóm này thậm chí bắn tên lửa vào tàu chiến Mỹ, trong khi một UAV khác tấn công một tàu thuộc sở hữu của Mỹ ở Vịnh Aden ngày 17-1.
Hoạt động trên cùng với thông điệp hỗ trợ người dân Gaza của nhóm rất được người dân Yemen quan tâm. Sự ủng hộ này giúp Houthi tuyển mộ thêm nhiều tay súng cũng như cho phép nhóm huy động các cuộc biểu tình lớn để ủng hộ người dân Palestine. Nhân danh các cuộc tấn công tàu của Israel, giới phân tích cho biết Houthi còn tận dụng cơ hội mở rộng căn cứ hỗ trợ không chỉ ở Yemen và còn khắp thế giới Arab. Về lâu dài, nó có thể phá hoại tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Saudi Arabia. Bất ổn cũng có thể buộc Riyadh vốn đang đàm phán với Houthi về lệnh ngừng bắn, cân nhắc xây dựng quan hệ và chấp nhận nhóm là lực lượng cầm quyền của Yemen.
Và trong cuộc đối đầu quân sự với phương Tây, đây có thể được coi là "cơ hội vàng" để Houthi củng cố tính hợp pháp thông qua tuyên bố họ đang chiến đấu chống lại đối thủ nước ngoài tấn công Yemen, từ đó nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ dư luận khu vực và quốc tế.
Bước ngoặt mới tiểm ẩn nhiều rủi ro
Chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 17-1 đã đưa Houthi vào danh sách "khủng bố toàn cầu được chỉ định đặc biệt" (SDGT). Quyết định sẽ có hiệu lực sau 30 ngày. Ðộng thái lần này sẽ ngăn cản Houthi tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ và cho phép Washington ban hành cấm vận lên những người ủng hộ Houthi.
Năm 2020, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump từng đưa Houthi vào danh sách SDGT và cả "tổ chức khủng bố nước ngoài" (FTO). Với FTO, Houthi bị cấm mọi giao dịch và tiếp nhận hàng viện trợ nước ngoài. Vì thế, hành động này đã khiến Liên Hiệp Quốc và các nhóm viện trợ lo ngại rằng các lệnh cấm vận sẽ làm gián đoạn nguồn thực phẩm, nhiên liệu và hàng hóa vào Yemen trong bối cảnh hàng triệu người dân nước này thiếu đói sau gần 1 thập niên nội chiến. Cho nên vào tháng 2-2021, chính quyền ông Biden quyết định lật ngược chính sách của người tiền nhiệm nhằm vào Houthi. Dân số Yemen khoảng 33 triệu người, trong khi gần 22 triệu người, bao gồm phân nửa là trẻ em, cần nhận được viện trợ nhu yếu phẩm.
Thật ra, chính quyền Mỹ không muốn tiêu diệt Houthi bởi lực lượng này có thể khắc chế nhóm al-Qaeda trên bán đảo Arab (AQAP) vốn "từng làm mưa làm gió" tại Yemen. Vào năm 2000, AQAP đã thực hiện cuộc tấn công tự sát vào tàu khu trục USS Cole của Mỹ tại cảng Aden khiến 17 quân nhân Mỹ thiệt mạng. Mỹ sau đó viện trợ quân sự hơn 850 triệu USD cho chính quyền Saleh tham gia cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, Mỹ đã thất vọng với bộ máy an ninh yếu kém của chính quyền Saleh. Vì vậy, trong 8 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã thực hiện khoảng 185 vụ không kích nhằm vào AQAP. Riêng chính quyền Trump tiến hành 200 vụ không kích trong 4 năm. Ngoài ra, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng bắt đầu xuất hiện tại Yemen sau khi thất bại ở Iraq và Syria.
Rõ ràng, việc Mỹ tấn công và cấm vận Houthi tiềm ẩn nhiều rủi ro bất ổn an ninh cho Yemen.
ÐỨC TRUNG
|