17/01/2021 - 08:06

Hơn 2 triệu người chết vì COVID-19 

Ngày 16-1 đánh dấu cột mốc bi thương của thế giới khi đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mệnh của hơn 2 triệu người.

Thế giới ghi nhận 1 triệu người chết trong 9 tháng đầu tiên kể từ khi đại dịch khởi phát tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc thì giờ đây con số này đã tăng gấp đôi chỉ trong hơn 3 tháng.

Công tác mai táng người chết do COVID-19 tại Indonesia. Ảnh: EPA

“Cột mốc nhói lòng”

Trong đoạn video đánh dấu con số kinh hoàng trên, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres gọi đây là “cột mốc nhói lòng”.

Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca tử vong do COVID-19 với gần 395.000 người. Trung bình, cứ 4 người chết do COVID-19 được ghi nhận trên toàn thế giới thì có 1 xảy ra tại Mỹ. Brazil, Ấn Ðộ, Mexico và Anh lần lượt chiếm vị trí tiếp theo với số ca tử vong là 208.000 người, 152.000 người, 138.000 người và 87.000 người. 5 quốc gia này, chiếm 27% dân số thế giới, có tỷ lệ người chết vì đại dịch chiếm khoảng 50% toàn cầu. Nếu tính ở góc độ khu vực, châu Âu là nơi có tỷ lệ người chết do COVID-19 cao nhất, đạt gần 31%, tức hơn 615.000 ca.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng số người tử vong do COVID-19 trên thực tế lớn hơn nhiều. Bởi chỉ những trường hợp tử vong do Covid-19 được xác nhận mới được đưa vào kiểm đếm, có nghĩa là những người chết mà không được chẩn đoán chắc chắn có thể không được tính vào. Do việc xét nghiệm ở nhiều nước không kịp thời, số ca tử vong do virus Corona không được ghi nhận có thể lên đến hàng trăm ngàn người.

 Christopher Murray, Giám đốc Viện Ðo lường và Ðánh giá sức khỏe thuộc Ðại học Washington, cho biết có khả năng số người chết do COVID-19 không được thống kê cao hơn 1/5, tức trung bình cao khoảng 20%. Cá biệt, số người chết không được báo cáo đầy đủ ở Ecuador, Peru hay Nga có thể cao hơn 300-500%.

Số liệu của Ðại học Johns Hopkins cho thấy trong những ngày đầu năm 2021, số ca tử vong hằng ngày do virus Corona chủng mới gây ra được ghi nhận trung bình là 11.900 người. Ðiều này có nghĩa cứ trong 8 giây thì có 1 người chết do COVID-19 trên thế giới. Viện Ðo lường và Ðánh giá sức khỏe dự báo đến ngày đầu tháng 4 tới, số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu có thể lên đến 2,9 triệu người.

Ông Mike Ryan, Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm 14-1 đã cảnh báo về điều tồi tệ hơn sắp tới trong bối cảnh nhiều biến thể nguy hiểm hơn của virus Corona được phát hiện tại nhiều nước. Trong một bản thông tin di truyền học mới đây, WHO cho biết biến thể được phát hiện đầu tiên tại Anh đã lan ra 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi một biến thể tương tự được phát hiện tại Nam Phi đã xuất hiện ở 20 nước khác. Một biến thể thứ ba có nguồn gốc ở vùng Amazon của Brazil hiện đang được phân tích và có thể ảnh hưởng tới các nỗ lực tạo miễn dịch cộng đồng.

Sự thất bại của thế giới

Số người chết do virus Corona gia tăng giữa lúc thế giới thúc đẩy chiến dịch chủng ngừa COVID-19 quy mô lớn đặt ra những nghi ngờ. Trong thông điệp hôm  15-1, Tổng Thư ký LHQ Guterres một lần nữa nhấn mạnh các chính phủ thế giới có trách nhiệm bảo vệ nhân dân của mình nhưng “chủ nghĩa dân tộc vaccine là sự tự hoại và sẽ ngăn cản sự phục hồi của toàn cầu”. “Khoa học đang thành công, nhưng sự đoàn kết đang thất bại. Vaccine đang nhanh chóng đến được các quốc gia có thu nhập cao, trong khi những quốc gia nghèo nhất thế giới không có vaccine nào. Thật đáng buồn, tác động chết người của đại dịch đã trở nên tồi tệ hơn do thiếu nỗ lực phối hợp toàn cầu”, ông Guterres bày tỏ.

Nếu như Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 15-1 tuyên bố nước này đang tiến hành chiến dịch chủng ngừa “lớn nhất và nhanh nhất trong lịch sử đất nước” thì tại nhiều quốc gia đang phát triển, bao gồm cả Brazil (nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh), việc tiêm vaccine chưa thể bắt đầu. Số người chết do COVID-19 ở những nước này dự báo sẽ tồi tệ hơn.

Hiện đã có 46 quốc gia bắt đầu chiến dịch tiêm phòng đại trà, trong đó có 38 nước thuộc diện thu nhập cao. Vì thế, trong cuộc họp trực tuyến của Ủy ban Khẩn cấp WHO diễn ra hôm 15-1, Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho rằng “thế giới đang ở trong giai đoạn quyết định trong đại dịch”, nhưng kêu gọi phân phối công bằng vaccine trên toàn cầu.  Ông Ghebreyesus nhấn mạnh: “Tôi muốn trong 100 ngày tới, tất cả các nước sẽ tiến hành tiêm phòng để các nhân viên y tế và những người có nguy cơ cao nhất sẽ được bảo vệ trước tiên”.

Tuy nhiên, việc tiêm vaccine COVID-19 ở các nước phát triển như Mỹ vẫn còn khó khăn và hết sức chậm chạp. Tổng thống đắc cử Joe Biden cho rằng nước Mỹ đang trong một mùa đông đen tối và đang nhanh chóng tiến dần tới mốc 400.000 người tử vong do COVID-19, đồng thời nhấn mạnh việc triển khai tiêm vaccine tại Mỹ cho tới nay vẫn là một thất bại thảm hại. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, tính tới ngày 15-1, hơn 31,1 triệu liều vaccine đã được phân phối tới các cơ sở y tế, nhưng chỉ có hơn 12,2 triệu người đã được tiêm.

Do đó, ông Biden vừa công bố kế hoạch mới tiêm vaccine ngừa COVID-19.   Theo kế hoạch, chính quyền của ông Biden sẽ huy động gần như tất cả số vaccine dự trữ để giúp đạt được mục tiêu 100 triệu người dân Mỹ được tiêm trong 100 ngày đầu tiên khi ông lên nắm quyền. Kế hoạch tiêm chủng sẽ tập trung vào hành động của chính quyền liên bang, chứ không để các bang tự triển khai, đồng thời khởi động một nỗ lực giáo dục cộng đồng lớn để xây dựng lại niềm tin vào khoa học, đặc biệt tập trung vào các cộng đồng người da màu và người Mỹ gốc  Latinh nhằm trấn an những lo ngại của họ về độ an toàn của các loại vaccine.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết