22/08/2019 - 09:39

Hơn 2.300 con hổ bị giết và buôn bán phi pháp 

Theo báo cáo công bố ngày 20-8, hơn 2.350 con hổ đã bị giết và buôn bán phi pháp tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ đầu thế kỷ này. Traffic, tổ chức bảo tồn động vật quý hiếm và giúp các nước bắt những kẻ buôn bán bộ phận của chúng, kêu gọi chính phủ các nước hành động nhiều hơn để bảo vệ loài vật có tên trong Sách đỏ này.

Da là bộ phận thường được phát hiện trong các vụ buôn bán hổ bất hợp pháp. 

Năm 1900, ước tính có hơn 100.000 con hổ sinh sống khắp hành tinh. Nhưng con số này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục còn 3.200 con vào năm 2010. Dân số của chúng sau đó có tăng lên một chút nhưng vẫn rất ít, với chưa tới 3.900 con trong tự nhiên.

Với trung bình hơn 120 con hổ bị buôn bán bất hợp pháp được phát hiện mỗi năm - tức hơn hai vụ mỗi tuần - kể từ năm 2000, tổ chức Traffic cảnh báo dấu hiệu hồi phục số lượng hổ rất ít. Tác giả báo cáo Kanitha Krishnasamy, người đứng đầu các hoạt động của Traffic tại Đông Nam Á, cho biết nạn buôn bán da, xương và nguyên con (cả còn sống lẫn đã chết) là một minh chứng cho thấy nhu cầu mua các bộ phận của hổ vẫn hiện hữu. “Có vẻ như chúng ta đang thua trong cuộc chiến này” - bà Krishnasamy cảnh báo.

Báo cáo được công bố khi các bên tham gia Công ước quốc tế về buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) họp tại Geneva (Thụy Sĩ) để đánh giá và điều chỉnh hiệp ước quản lý thương mại hơn 35.000 loài thực vật và động vật. Các trang trại hổ cũng nằm trong chương trình nghị sự, do đó các tác giả báo cáo kêu gọi CITES giám sát các cơ sở để đảm bảo họ không tiếp tay cho những kẻ buôn bán hổ bất hợp pháp.

T.TRÚC (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết