 |
Quang cảnh hội nghị giải trừ vũ khí hạt nhân do Iran tổ chức. Ảnh: PressTV |
Chính quyền Iran vừa tổ chức hội nghị giải trừ vũ khí hạt nhân. Dù hội nghị diễn ra trong hai ngày (17 và 18-4) này không có sự hiện diện của Mỹ và phương Tây, nhưng đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Nó diễn ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân tại Washington, nơi mà giới cầm quyền Mỹ tranh thủ vận động lãnh đạo các nước tham dự ủng hộ các biện pháp mới chống Iran, nên nhiều người cho rằng Tehran muốn “tạo đối trọng”, chĩa mũi dùi hạt nhân quay ngược lại giới cầm quyền Mỹ.
Với khẩu hiệu “năng lượng hạt nhân cho tất cả và không có vũ khí hạt nhân cho bất kỳ ai”, hội nghị Tehran tập trung vào ba chủ đề chính: thách thức giải giáp hạt nhân, các nghĩa vụ quốc tế giải giáp, không phổ biến hạt nhân và các bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa giải giáp. Vì thế, dù không có vị nguyên thủ quốc gia hay người đứng đầu chính phủ các nước tới tham dự, nhưng hội nghị nhận được sự hưởng ứng từ cấp bộ của 60 quốc gia cùng với đại diện của Tổ chức Hội nghị Hồi giáo, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Liên Hiệp Quốc.
Iran là quốc gia thuộc khu vực Trung Đông đầy bất ổn và là một trong những nước đã ký kết Hiệp ước Không phổ biến Hạt nhân (NPT), đồng thời đang cùng với cộng đồng quốc tế chuẩn bị xây dựng lại hiệp ước này vào tháng 5 tới. Trên tinh thần đó, hội nghị tại Tehran đã yêu cầu Israel, một cường quốc vũ khí hạt nhân không tuyên bố, tham gia NPT nhằm đảm bảo một Trung Đông không có vũ khí hạt nhân. Đây là một “điểm nhấn” rất khác biệt so với hội nghị an ninh hạt nhân ở Washington, nơi mà đồng minh Israel của Mỹ được mời nhưng người đứng đầu chính phủ Israel không dự mà chỉ cử thuộc cấp đi thay, vì lo ngại bị cộng đồng quốc tế đặt vấn đề về kho vũ khí hạt nhân của mình.
Tại hội nghị ở Tehran hôm 18-4 vừa qua, Syrie, Liban và Iraq đã đồng ý hỗ trợ chương trình hạt nhân hòa bình của Iran và đề nghị phá bỏ kho vũ khí của Israel. Được cho là quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân duy nhất ở Trung Đông, nhưng cho đến nay Israel vẫn không tham gia NPT. Ngoại trưởng Iraq Hoshiyar Zebari cho rằng, chỉ có thể tin tưởng các chương trình hạt nhân của Israel khi nào nước này thực hiện những hoạt động của mình dưới sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế. Ông Hoshiyar Zebari cho biết, Iraq không ủng hộ việc thừa nhận Israel là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời cho rằng, việc Israel chưa ký NPT là một mối nguy hiểm cho cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, giới cầm quyền Mỹ vẫn phớt lờ về kho vũ khí hạt nhân của Israel, nhưng lại liên tục gia tăng sức ép đối với vấn đề hạt nhân của Tehran. Hiện Mỹ, với sự ủng hộ của Anh và Pháp, đang vận động áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran. Tất nhiên, Tehran đã “phản pháo”. Tại hội nghị ở Tehran, các nhà lãnh đạo Iran đã lên tiếng tố cáo Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân như là một công cụ khủng bố và đe dọa, đồng thời kêu gọi “phế truất” tư cách thành viên ban điều hành của Mỹ trong IAEA và thay đổi nội dung NPT do các cường quốc hạt nhân như Mỹ soạn thảo.
KIẾN HÒA (Theo AP, AFP và Reuters)