30/04/2011 - 09:09

Hamas và Fatah đạt thỏa thuận hòa giải nỗ lực vì một nhà nước Palestine độc lập

Đại diện Fatah (phải) và Hamas trong cuộc họp báo tại Cairo ngày 27-4. Ảnh: AFP

Từ chuyến đi Ai Cập bắt đầu hôm 26-4, hai phái chính trị lớn nhất Palestine là Phong trào Fatah và Phong trào Hồi giáo Hamas đã đạt được thỏa thuận toàn diện sơ bộ về tiến trình hòa giải dân tộc, bao gồm thỏa thuận thành lập một chính quyền chuyển tiếp và tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội trong vòng một năm tới. Đây là nỗ lực lớn của giới chính trị Palestine vì một nhà nước độc lập, chống chính sách chiếm đóng của Israel.

Đại diện của Fatah và Hamas đã thông báo thỏa thuận nói trên trong cuộc họp báo ngày 27-4 tại Cairo (Ai Cập). Theo trưởng đoàn đàm phán của Hamas, ông Moussa Abou Marzouk, một chính phủ chuyển tiếp sẽ chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề đối nội, trong khi một ủy ban lâm thời của các phe phái tại Palestine sẽ phụ trách chính sách đối ngoại. Ông cho biết hai bên đã thảo luận tất cả những vấn đề, kể cả những bất đồng, cân nhắc đề xuất của chính phủ Ai Cập về việc tổ chức bầu cử, thành lập ủy ban bầu cử, chính phủ độc lập và nối lại hoạt động của cơ quan lập pháp. Ông Marzouk còn cho biết thỏa thuận toàn diện sơ bộ này không đề cập đến những nguyên tắc, điều kiện của Nhóm bộ tứ (gồm Mỹ, Nga, Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Âu) về hòa bình Trung Đông. Tiếp sau thỏa thuận này, theo một nguồn tin tại Cairo, chính phủ Ai Cập sẽ tổ chức một cuộc họp mới với sự tham gia của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và người đứng đầu Hamas Khaled Mashaal cùng đại diện của tất cả các phe phái ở Palestine để ký thỏa thuận hòa giải chính thức vào tuần tới.

Thỏa thuận đã nhận được sự hoan nghênh của dân chúng Palestine, dù họ ở Dải Gaza do Hamas kiểm soát hay Khu Bờ Tây do Fatah nắm giữ. Theo hãng tin Anh Reuters, nhiều người dân Palestine cho rằng thỏa thuận hòa giải là khát vọng bấy lâu nay của họ với mong muốn Fatah và Hamas vượt qua sự chia rẽ để cùng nhau đấu tranh vì một nhà nước Palestine độc lập. Salman al-Dairi, 50 tuổi, một công dân Palestine tự nhận mình là ủng hộ viên của Fatah nhưng sinh sống tại Dải Gaza, cho biết thỏa thuận trên là một điều tốt đẹp và hy vọng thỏa thuận này sẽ mang lại thành công “vì người Palestine dù ở khu vực nào cũng là một dân tộc và trên cùng một chiến hào”. Thủ tướng Chính quyền Dân tộc Palestine Salam Fayyad ra thông cáo báo chí bày tỏ hy vọng thỏa thuận này là nền tảng quan trọng để tiến hành thống nhất quốc gia, giúp nhân dân Palestine quyết định số phận của mình và thành lập một Nhà nước độc lập tại toàn bộ những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng từ năm 1967, trong đó Thủ đô là Đông Jerusalem.

Trong khi đó, ngay sau khi Fatah và Hamas đạt được thỏa thuận hòa giải, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhắc lại lập trường cho rằng Tổng thống Palestine Abbas phải lựa chọn hoặc Israel hoặc Hamas. Ông Netanyahu cho rằng một thỏa thuận như vậy sẽ mở đường cho Hamas kiểm soát Khu Bờ Tây.

Phản ứng trước tuyên bố trên của Thủ tướng Israel, Tổng thống Abbas khẳng định Phong trào Hồi giáo Hamas, cũng như các phái chính trị khác, là một bộ phận của Palestine thống nhất. Chính quyền Palestine lựa chọn đối thoại hòa bình với Hamas và đàm phán bình đẳng với Israel.

Dư luận lo ngại Israel sẽ gia tăng các hành động quân sự tại Dải Gaza hòng phá hoại tiến trình hòa giải giữa Fatah và Hamas như họ đã từng làm sau cuộc tổng tuyển cử ở Palestine năm 2006. Đài truyền hình Al-Jazeera hôm qua cho biết ít nhất 4 dân thường Palestine, trong đó có hai em nhỏ, bị thương trong cuộc tấn công bằng xe tăng của quân đội Israel ở một khu vực phía Đông trại tị nạn Al-Bureij thuộc trung Gaza vào chiều tối 28-4.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Đại diện Fatah (phải) và Hamas trong cuộc họp báo tại Cairo ngày 27-4. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết