28/04/2010 - 09:00

Hai mũi tên, một mục đích

Nhà vua Na Uy Harald (phải) cùng vợ chồng Tổng thống Nga Medvedev thăm một trường tiểu học hôm 26-4. Ảnh: Reuters

Hướng đến kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng phát xít và kết thúc Đệ nhị thế chiến, “bộ đôi” lãnh đạo của nước Nga - Tổng thống Dmitry Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin - đang thực hiện các chuyến công du tới nhiều quốc gia châu Âu thăm các tượng đài vinh danh những anh hùng Xô-viết đã hy sinh trong cuộc chiến. Sự hiện diện của hai ông như là lời nhắc nhở người dân các nước châu Âu về đóng góp của Hồng quân Liên Xô, từ đó giúp thắt chặt mối quan hệ mang lại lợi ích thiết thực giữa các quốc gia này với nước Nga ngày nay.

Trong chuyến đi 3 ngày (26-28/4) tới hai nước Bắc Âu là Na Uy và Đan Mạch, Tổng thống Medvedev muốn tận dụng cơ hội này để “làm ấm” lại các mối quan hệ vốn đã bị “đóng băng” vì vấn đề Bắc Cực lạnh giá. Những năm gần đây, hai nước vùng Scandinavia này cùng với Nga, Canada và Mỹ bắt đầu tranh chấp chủ quyền đối với khu vực Bắc Cực giàu dầu mỏ và hải sản, cũng như có vị trí chiến lược về giao thông. Dĩ nhiên, ông Medvedev khó có thể thuyết phục Na Uy và Đan Mạch ủng hộ các yêu sách chủ quyền như mong muốn của Nga, mà chỉ hy vọng đạt được những thỏa thuận chia sẻ lợi ích chung trên vùng biển chiến lược này.

Trong khi đó, cũng trong chuyến công du 3 ngày tới Áo và Ý, bắt đầu từ 24-4, Thủ tướng Putin đã tranh thủ được sự ủng hộ và tham gia của hai nước này vào dự án xây dựng đường ống khí đốt xuyên lòng Biển Đen đến Bulgarie, Hungary, Áo, Hy Lạp, Croatia, Slovenia và Serbia. Dự án “Dòng chảy phương Nam” dài 3.700 km trị giá 20 tỉ USD và dự kiến hoàn thành vào năm 2015 này gần như đã đặt dấu chấm hết cho đường ống cạnh tranh Nabucco dài 3.300 km, ước tính trị giá 12,3 tỉ USD, đi từ Trung Á đến Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgarie, Roumanie, Hungary, Áo, Czech và Đức. Mặc dù được Liên minh châu Âu và Mỹ ra sức hậu thuẫn và đặt thời hạn hoàn thành cũng vào năm 2015, nhưng Nabucco đến nay vẫn chưa có thỏa thuận nào được ký kết và đứng trước nguy cơ phá sản.

Sau Áo và Ý, ông Putin còn ghé qua Ukraina vào hôm qua nhằm mục đích tạo dựng lòng tin đối với các nhà lập pháp nước này trước khi họ bỏ phiếu thông qua hiệp định cho phép Hạm đội Biển Đen của Nga tiếp tục thuê căn cứ quân sự trên bán đảo Crimea thêm 25 năm nữa sau khi hết hạn vào năm 2017. Tại đây, ông đã bác bỏ thông tin cho rằng “Nga đổi khí đốt lấy căn cứ quân sự” thông qua việc cắt giảm 30% giá bán khí đốt cho Ukraina, đồng thời khẳng định thỏa thuận giá khí đốt mới là một giải pháp giúp đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt từ Nga qua Ukraina cho các nước châu Âu không bị gián đoạn vì những tranh cãi giá khí đốt giữa hai nước như các năm trước đây. Người ta tin rằng lập luận của ông Putin sẽ nhận được sự đồng tình của đông đảo người Ukraina và làm giảm sự phản đối của phe đối lập ở nước này.

Xem ra “hai mũi giáp công ngoại giao” của Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Putin sẽ ít nhiều mang lại lợi ích cho nước Nga.

KIẾN HÒA
(Tổng hợp từ RIA Novosti, Reuters, Xinhua, Wikipedia, TTXVN)

Chia sẻ bài viết