18/01/2010 - 10:00

Hai mặt của vấn đề người nhập cư ở Singapore

Các lao động nhập cư người Ấn Độ tại Singapore. Ảnh: AFP

Những năm qua, Singapore luôn tự hào là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới. Tuy nhiên, khi đất nước đang dần phục hồi từ khủng hoảng, người dân đảo quốc Sư tử lại bắt đầu hoài nghi về điểm mấu chốt trong mô hình kinh tế đất nước: sự mở cửa lâu dài cho người nước ngoài.

Với mục tiêu tận dụng tối đa nguồn lực của châu Á cũng như bù đắp tỷ lệ sinh thấp trong nước bằng người nhập cư, Singapore trong những năm gần đây đã mở cửa cho các chủ nhà băng và người ngoại quốc đến đầu tư, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho họ nhập quốc tịch. Singapore cũng mời gọi lực lượng lao động kỹ thuật thấp, giá rẻ từ Bangladesh và các nước đang phát triển khác để phục vụ các nhà máy và công trình xây dựng. Giai đoạn 2005-2009, dân số Singapore tăng khoảng 150.000 người/ năm, với ít nhất 75% trong số đó có nguồn gốc ngoại quốc. Dòng chảy người nhập cư đã giúp Singapore phát triển kinh tế ngắn hạn do làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ. Nhiều căn hộ và trung tâm mua sắm mới được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của người nhập cư. Đồng thời các nhà sản xuất cũng có được nhân công giá rẻ. Theo một số ước tính, hơn 1/3 trong mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 6,8% của Singapore giai đoạn 2003-2008 đến từ việc mở rộng lực lượng lao động, mà chủ yếu là người nước ngoài.

Tuy nhiên, sự hiện diện của người nhập cư đang làm nhen nhóm lên những bất mãn trong xã hội Singapore và trở thành vấn đề chính trị nóng bỏng trước thềm cuộc tổng tuyển cử năm 2011. Dòng chảy lao động nước ngoài giá rẻ đã làm cho mức lương của lao động phổ thông người địa phương thấp xuống, làm tăng thêm cách biệt giàu nghèo. Ngoài ra, dân nhập cư đông đúc cũng khiến giao thông ở Singapore thường xuyên bị tắc nghẽn, và nhu cầu tiêu dùng của họ đã đẩy giá cả, nhất là bất động sản, lên cao. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng ảnh hưởng nguy hại nhất là các nhà sản xuất trong nước cứ trông cậy vào lực lượng lao động nhập cư giá rẻ thay vì làm cho doanh nghiệp của họ hoạt động hiệu quả hơn. Năm 2008, năng suất lao động ở Singapore giảm 7,8%, một hiện tượng có thể dẫn tới tiêu chuẩn sống thấp hơn. Còn theo Choy Keen Meng, phó giáo sư kinh tế Đại học công nghệ Nanyang thì việc dựa vào lao động nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là điều không bền vững. Theo ông, mô hình tốt hơn để phát triển là kiềm chế nhập cư và để Singapore trở thành nền kinh tế trưởng thành hơn, như Mỹ và châu Âu chẳng hạn, với tỷ lệ tăng trưởng trong dài hạn khoảng 3%-5%/năm.

Hiện tại, chính phủ Singapore đang xem xét lại mô hình kinh tế đất nước và dự kiến sẽ kiềm chế nhập cư. Tuy nhiên, sẽ không có việc cắt giảm mạnh người nhập cư. Nước này vẫn giữ mục tiêu đưa dân số từ 5 triệu người hiện nay lên 6,5 triệu người, nhưng sẽ ưu tiên tiếp nhận người nước ngoài có trình độ cao thay vì lao động phổ thông.

THUẬN HẢI (Theo Wall Street Journal)

Chia sẻ bài viết