13/01/2021 - 21:54

Hạ viện Mỹ theo đuổi kế hoạch “xử lý” ông Trump 

Trưa 13-1 (giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết kêu gọi Phó Tổng thống Mike Pence kích hoạt Tu chính án thứ 25 nhằm phế truất Tổng thống Trump, mặc dù trước đó ông Pence khẳng định sẽ không làm việc này.

Ông Trump còn không đầy một tuần làm chủ Nhà Trắng. Ảnh: AFP

Phe Dân chủ tại Hạ viện đang gây sức ép buộc Phó Tổng thống Pence viện dẫn Tu chính án thứ 25 để phế truất Tổng thống Trump, nếu không họ sẽ tiến hành bỏ phiếu về việc luận tội ông chủ Nhà Trắng. Nội dung Tu chính án thứ 25 cho phép loại bỏ tổng thống nếu phó tổng thống và đa số nội các tuyên bố tổng thống không còn đủ khả năng đảm nhận chức vụ. Hai viện quốc hội cần xem xét và thông qua việc này với số phiếu ủng hộ quá bán.

Tuy nhiên, ngày 12-1, Phó Tổng thống Pence đã thông báo với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi rằng ông sẽ không kích hoạt Tu chính án 25 để phế truất Tổng thống Trump. Trong thư gửi bà Pelosi, ông Pence cho biết ông “sốc và buồn” về vụ bạo loạn xảy ra hồi tuần trước tại Ðồi Capitol, nhưng sẽ không đáp ứng yêu cầu của Chủ tịch Hạ viện nhằm phế truất Tổng thống Trump. Theo ông, quyết định phế truất sẽ không mang lại “lợi ích tốt nhất cho đất nước chúng ta hoặc phù hợp với Hiến pháp”. Cũng theo Phó Tổng thống Pence, việc phế truất Tổng thống Trump thông qua Tu chính án 25 sẽ tạo tiền lệ xấu, làm gia tăng chia rẽ và “thổi bùng giận dữ vào thời điểm này”.

Tính toán của phe Dân chủ được tiếp thêm động lực khi một số thành viên Cộng hòa bắt đầu quay lưng với tổng thống sắp mãn nhiệm. Cụ thể, nghị sĩ cao cấp thứ 3 của phe Cộng hòa ở Hạ viện Liz Cheney cho biết bà sẽ bỏ phiếu ủng hộ luận tội. Hai đồng nghiệp khác là hạ nghị sĩ John Katko và Adam Kinzinger cũng tuyên bố tương tự. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell được cho đã nói với thân tín rằng ông “hài lòng” với việc phe Dân chủ muốn luận tội, bởi điều này giúp đảng Cộng hòa “cắt đứt” với ông Trump.

Nếu cuộc bỏ phiếu luận tội được Hạ viện thông qua, sẽ có một phiên tòa tại Thượng viện và tổng thống bị xem là có tội và bị cách chức, lấy hết bổng lộc ngay lập tức nếu 2/3 thượng nghị sĩ bỏ phiếu thuận. Hiện có tới 20 đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện sẵn sàng kết tội tổng thống, theo New York Times. Ðáp lại, Tổng thống Trump chỉ trích kế hoạch luận tội của phe Dân chủ là phần tiếp theo của “cuộc săn phù thủy lớn nhất trong lịch sử chính trị”.

Ngoại trưởng Pompeo hủy công du châu Âu

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã hủy chuyến công du nước ngoài cuối cùng tới Bỉ và Luxembourg, sau khi các quan chức châu Âu công khai chỉ trích vai trò của Tổng thống Trump trong vụ người biểu tình chiếm trụ sở Quốc hội hồi tuần trước.

Theo kế hoạch, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ sẽ ​​gặp Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg và Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Bỉ Sophie Wilmès tại thủ đô Brussels. Tuy nhiên, phát ngôn viên NATO hôm 12-1 xác nhận chuyến đi bị gác lại vào phút chót với lý do Washington cần tập trung vào quá trình chuyển giao quyền lực.

Về chặng dừng tại Luxembourg, Hãng tin AP cho biết ông Pompeo hủy lịch trình sau khi Ngoại trưởng nước sở tại Jean Asselborn công khai gọi Tổng thống Trump là “tội phạm”, rằng một người “cuồng kích động chính trị” như ông ấy phải bị đưa ra tòa. Hãng tin Reuters còn tiết lộ ông Asselborn ban đầu đã từ chối gặp đại diện ngoại giao Mỹ. Dẫn lời một phát ngôn viên Liên minh châu Âu (EU), kênh tin tức này cho biết nhiều quan chức cấp cao của khối gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hay Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại Josep Borrell cũng không muốn gặp ngoại trưởng Mỹ.

Theo các nhà quan sát, việc Ngoại trưởng Pompeo bị “lạnh nhạt” một phần vì thời gian tại nhiệm không còn nhiều. Mặt khác có thể do các nhà lãnh đạo thế giới muốn thể hiện bất mãn trước vụ người ủng hộ ông Trump chiếm Ðồi Capitol hôm 6-1. Ông Pompeo từng bị chỉ trích khi ủng hộ các cáo buộc của Tổng thống Trump về gian lận trong cuộc bầu cử năm ngoái và tiếp tục bị phản đối khi tránh lên án chủ nhân Nhà Trắng trong sự việc nêu trên. “Lịch sử sẽ ghi nhận những việc tốt mà Tổng thống Trump và chính quyền của chúng tôi đã làm, những thay đổi mà chúng tôi tạo ra cho thế giới” - ông Pompeo khẳng định hôm 12-1.

Cùng với chuyến đi châu Âu của Ngoại trưởng Pompeo, Bộ Ngoại giao cho biết tất cả các chuyến công du trong tuần này của quan chức ngoại giao đã bị hủy bỏ, bao gồm kế hoạch thăm Ðài Loan của đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Kelly Craft. Vốn lịch trình của bà Craft tới Ðài Bắc được xem là một phần trong nỗ lực của chính quyền Trump nhằm duy trì cách tiếp cận cứng rắn với
Trung Quốc.

Ông Biden lựa chọn người phụ trách các vấn đề châu Á

Báo Financial Times ngày 13-1 đưa tin Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ lựa chọn chuyên gia kỳ cựu về chính sách đối ngoại Kurt Campbell là người phụ trách các vấn đề châu Á - một chức vụ mới trong nội các. Ông Campbell từng là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Ðông Á và Thái Bình Dương dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Hiện tại, ông Biden đang tiếp tục hoàn thiện bộ máy và các chính sách lớn cho chính phủ nước này. Chính sách đối với châu Á - Thái Bình Dương của ông Biden sẽ là sự chuyển đổi rõ rệt so với chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết