30/09/2009 - 08:39

Guido Westerwelle - "Ngôi sao mới" trên chính trường Đức

Nữ Thủ tướng Merkel và ông
Guido Westerwelle.
Ảnh: AP

Sau thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra hồi cuối tuần qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thông báo kế hoạch thành lập chính phủ liên hiệp mới giữa Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo/Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) với Đảng Dân chủ Tự do (FDP) của Guido Westerwelle, một nhân vật được báo chí Mỹ và phương Tây coi là “ngôi sao mới” trên chính trường nước Đức.

Thời báo New York của Mỹ cho rằng Westerwelle là nhà hoạch định hàng đầu của FDP, khi ông đưa FDP giành được 14,6% số cử tri ủng hộ và góp phần củng cố quyền lực của Thủ tướng Merkel. Nếu các cuộc đàm phán thành lập liên minh mới thành công, dự kiến hạn chót hoàn tất vào ngày 27-10 tới, ông Westerwelle sẽ giữ vị trí Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng (theo truyền thống ở Đức). Dẫu vậy, ông Westerwelle cũng đã có những tuyên bố cho thấy những ưu tiên của ông trên cương vị mới, trong đó có việc chuyển toàn bộ vũ khí hạt nhân còn lại của Mỹ khỏi lãnh thổ Đức. Vấn đề này có thể gặp sự phản đối từ CDU của bà Merkel bởi lâu nay CDU vẫn muốn duy trì 20 đơn vị vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Đức. Tuy nhiên, về sứ mệnh của quân đội Đức tại Afghanistan, ông Westerwelle xem ra mạnh miệng hơn bà Merkel khi tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì hơn 4.200 binh sĩ Đức ở Afghanistan.

Các nhà phân tích cho rằng tuy các đảng muốn liên minh điều hành đất nước nhưng không có nghĩa là dễ dàng hòa hợp các mục tiêu của họ. Nền tảng trong chiến dịch tranh cử của FDP là kêu gọi cắt giảm hơn 50 tỉ USD thuế, cao hơn gấp 2 lần cam kết của bà Merkel. Theo các nhà phân tích, đây sẽ là vấn đề khó đạt được nếu hai bên không có sự nhượng bộ.

Năm 2001, Westerwelle trở thành lãnh đạo FDP và từng có 2 cơ hội tham gia chính phủ liên hiệp, nhưng ông từ chối bởi chưa tìm được tiếng nói chung với đảng thắng cử. Theo tờ Thời báo New York, dù chỉ mới 47 tuổi, nhưng Westerwelle có nhiều kinh nghiệm trên chính trường. Có thể nói, trước khi chọn Westerwelle lãnh đạo, FDP luôn chật vật trong cuộc cạnh tranh với các chính đảng khác trong Quốc hội Đức. Westerwelle đã có công điều chỉnh chính sách của FDP, thu hút các thành viên mới là các doanh nhân thành đạt và công nhân trẻ, để đưa đảng này đạt được kết quả tốt nhất trong lịch sử 60 năm. So với cuộc bầu cử năm 2005, tỷ lệ ủng hộ FDP tăng 4,7%, trong khi khối bảo thủ của bà Merkel giảm 1,4%. Bên cạnh đó, để nhấn mạnh đường lối thiên về tự do hóa kinh tế, ông Westerwelle cũng nghiên cứu chính sách đối ngoại, hy vọng theo chân của Hans-Dietrich Genscher, cựu Chủ tịch và hiện là cố vấn FDP, từng có 2 thập niên là Ngoại trưởng Đức.

N. KIỆT
(Theo NYT, Reuters, Guardian)

Nữ Thủ tướng Merkel và ông Guido Westerwelle. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết