12/09/2010 - 09:13

Phà Cần Thơ chuyển thành "Bến khách ngang sông"

Giúp người dân qua lại sông Hậu thuận tiện

Bến phà Cần Thơ sẽ hoạt động trở lại với quy mô nhỏ hơn nhằm đáp ứng cho một bộ phận dân cư 2 bên bờ sông Hậu có nhu cầu qua lại.
Ảnh: T.KHIÊM

Đã có cầu Cần Thơ nay lại kiến nghị cho phà hoạt động trở lại nghe có vẻ bất hợp lý. Nhưng trên thực tế, người dân ở 2 bên bờ sông Hậu có nhu cầu đi lại rất lớn nên thường xuyên sử dụng đò ngang để qua sông rất nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa bão. Chính vì vậy, TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long đã thống nhất chủ trương cho phép hoạt động phà trở lại với tên tạm gọi “Bến khách ngang sông”.

TẠO THUẬN LỢI CHO DÂN

Anh Phùng Văn Hiếu nhà ở gần Chợ Bà, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, tâm sự: Tôi làm công nhân tại Công ty cổ phần Thủy lợi 40 ở phường An Thới, Bình Thủy. Trước đây khi phà còn hoạt động tính ra quãng đường đi chưa tới 5 cây số, nay đi cầu Cần Thơ mất hơn 20 cây số, ngày 2 lượt tốn gần 1 lít xăng, lại thêm gần 1 tiếng đồng hồ đi vòng. Chính vì vậy, người dân nơi đây mong muốn nhà nước cho mở lại phà để bà con 2 bên bờ sông đi lại thuận tiện, nhanh chóng, giảm chi phí hơn...”.

Mỗi ngày có hàng trăm người dân, học sinh, sinh viên, công nhân có nhu cầu đi lại bằng phà để đỡ mất thời gian, tiền bạc. Em Văn Minh Hương, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ nhà ở gần thị trấn Bình Minh, cho biết: Trước đây em đi học bằng đường phà đến trường, sáng đi chiều về. Nay đi đường vòng xa quá, nên đành phải thuê nhà trọ ở Cần Thơ, phát sinh thêm chi phí ăn ở, trong khi hoàn cảnh gia đình lại eo hẹp. Nghe tin phà hoạt động lại em mừng lắm...”.

Chiều 8-9-2010, lãnh đạo TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long cùng các sở ngành hữu quan đã có buổi họp xem xét việc tiếp nhận, sử dụng lại bến phà Cần Thơ. Lãnh đạo 2 địa phương đều thống nhất quan điểm: Làm gì có lợi, phục vụ cho dân an toàn thì chính quyền địa phương phải làm. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Sau khi cầu Cần Thơ thông xe và phà Cần Thơ ngưng hoạt động, một bộ phận người dân gặp khó khăn trong việc qua lại giữa hai bờ Cần Thơ và Vĩnh Long do đi theo tuyến cầu Cần Thơ xa, tốn thời gian nên đã chọn cách đi đò ngang vượt sông Hậu. Tình trạng này gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông đường thủy và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất lớn”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Trương Văn Sáu cho biết: “Cấm đò ngang sông Hậu rất khó, càng cấm họ càng lén hoạt động. Để tồn tại không có tổ chức như thế khi xảy ra tai nạn thì chính quyền sẽ có lỗi với dân. Chính vì vậy, cần xem xét cho hoạt động lại phà với quy mô vừa phải, chủ yếu phục vụ cho người dân, học sinh, công nhân qua lại là hợp lý...”

SẼ SỚM ĐƯA VÀO HOẠT ĐỘNG “BẾN KHÁCH NGANG SÔNG”

Để giải quyết nhu cầu thiết thực này của người dân, đảm bảo an toàn khi vượt sông Hậu, UBND thành phố đã nhiều lần kiến nghị với Bộ GTVT và Tổng Cục đường bộ cho phép phà Cần Thơ (phà của Cụm phà Hậu Giang cũ nay là Công ty TNHH quản lý và khai thác cầu Cần Thơ) hoạt động trở lại, nhưng đã không được đồng ý. “Bộ GTVT và Tổng Cục đường bộ chỉ chấp nhận bàn giao bến phà (bến hạ lưu phía bờ Cần Thơ và 2 bến ở phía bờ Vĩnh Long) để TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long quản lý. Tổng Cục đề nghị 2 địa phương có văn bản chính thức. Còn việc tổ chức quản lý, khai thác những bến này để vận chuyển khách qua lại 2 bờ nhằm giải quyết vấn đề đò ngang qua lại sông Hậu thiếu an toàn trong mùa mưa lũ sẽ do 2 địa phương thỏa thuận với nhau” - ông Nguyễn Thanh Sơn nói.

Vì sao Bộ Giao thông Vận tải không cho phép phà hoạt động trở lại, mà giao cho 2 địa phương tự quản lý tổ chức quản lý khai thác? Theo ý kiến của 2 địa phương, nguồn vốn để trả nợ vay xây dựng cần Cần Thơ là nguồn thu phí qua cầu, nếu cho phà hoạt động trở lại sẽ giảm nguồn thu phí. Chính vì vậy, tại cuộc họp chiều 8-9-2010, lãnh đạo 2 địa phương thống nhất chủ trương cho phà hoạt động lại với tên tạm gọi “Bến khách ngang sông”. Bến khách này chỉ phục vụ cho xe 2 bánh và người đi bộ, hai đối tượng này đều được miễn phí khi qua cầu Cần Thơ. Còn nếu phà có chở xe ô tô chỉ cho phép xe loại nhỏ vài trăm ký, và số lượng xe sẽ không nhiều, chỉ là những phương tiện hoạt động tại địa phương.

Ông Trương Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Đây là nhu cầu bức xúc của người dân 2 bên bờ sông Hậu. Do đó, nếu TP Cần Thơ chọn được đơn vị nào có đủ kinh nghiệm, năng lực thì khai thác, không phải đấu thầu sẽ mất thêm nhiều thời gian, trong khi mùa mưa bão đã đến...”. Sau khi xem xét năng lực của một số đơn vị, Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ đề xuất giao cho Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ xây dựng phương án khai thác, sử dụng khu vực bến hạ lưu. Ông Nguyễn Thanh Sơn đã đồng ý với đề xuất, đồng thời yêu cầu Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ xây dựng phương án, chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, phương tiện khai thác bến hạ lưu của bến phà Cần Thơ sau khi được phía Tổng Cục đường bộ bàn giao.

Ông Nguyễn Quang Huống, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ, cho biết: Công ty sẵn sàng đón nhận đầu tư khai thác. Nếu thành phố tranh thủ ngay được Bộ GTVT và Tổng Cục đường bộ về việc cho mượn tạm ponton trong thời gian chờ bàn giao bến bãi, công ty cam kết hết tháng 9 này sẽ đưa phà tải trọng 30-40 tấn vào hoạt động. Phà chủ yếu phục vụ xe hai bánh, người đi bộ. Ông Huống cho biết thêm, giá vé theo quy định của đơn vị kinh doanh với mức dự kiến xe gắn máy dưới 5.000 đồng (cả 2 người), còn người đi bộ dưới 2.000 đồng, học sinh, sinh viên giảm 50%... Ông Phan Quang Dự, Giám đốc Công ty TNHH quản lý và khai thác cầu Cần Thơ - đơn vị hiện quản lý Cụm phà Cần Thơ, cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng bàn giao cơ sở vật chất bến hạ lưu phía bờ Cần Thơ khi Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Cục đường bộ chính thức đồng ý giao cho địa phương. Nếu nhu cầu cần phục vụ ngay, địa phương làm thủ tục xin ý kiến Bộ, chúng tôi sẵn sàng cho mượn 2 bến để phà hoạt động”.

T.K - Q.D

Chia sẻ bài viết