10/11/2024 - 18:21

Giới siêu giàu thế giới phát thải carbon nhiều nhất 

Theo một nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Communications Earth & Environment, lượng phát thải carbon do việc sử dụng máy bay phản lực tư nhân đã tăng vọt trong 5 năm qua và đối tượng đóng góp lớn nhất là những người giàu có nhất hành tinh.

Chỉ 2 máy bay phản lực tư nhân của tỉ phú Mỹ Elon Musk ước tính thải ra 5.497 tấn CO2 mỗi năm. Ảnh: Business Insider

Để đi đến kết luận trên, các chuyên gia tại Đại học Linnaeus (Thụy Điển) đã phân tích dữ liệu theo dõi của hơn 18,7 triệu chuyến bay được thực hiện bởi gần 26.000 máy bay phản lực tư nhân trong giai đoạn 2019-2023, cũng như tính toán lượng khí thải carbon của các chuyến bay dựa trên thời gian bay, quỹ đạo bay và mức tiêu thụ nhiên liệu của từng loại máy bay.

Kết quả cho thấy hoạt động hàng không tư nhân của 250.000 người giàu nhất thế giới đã thải ra khoảng 17,2 triệu tấn carbon dioxide (CO2) vào năm 2023. Còn trong giai đoạn 2019-2023, tổng lượng phát thải carbon từ máy bay phản lực tư nhân đã tăng 46%. Hơn 35.600 tấn carbon ô nhiễm được phát thải chỉ từ 5 sự kiện lớn toàn cầu - gồm World Cup 2022 tại Qatar, Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2023, Super Bowl 2023, Liên hoan phim Cannes 2023 và các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hiệp Quốc 2023 tại Dubai. Lượng khí thải này đến từ 3.500 chuyến bay tư nhân.

Đáng chú ý, nhiều chuyến bay được phân tích trong nghiên cứu là những chuyến bay ngắn, tức có thể đi bằng xe hơi. Đơn cử, 47,4% số chuyến bay có quãng đường ngắn hơn 500km, 18,9% có quãng đường dưới 200km và nhiều chuyến bay là chuyến bay “trống”, tức được gửi đi chỉ để đưa/ đón một cá nhân. Còn các chuyến bay rất ngắn, dưới 50km, chiếm 4,7%.

Theo nghiên cứu, 50 tỉ phú giàu nhất hành tinh trung bình thực hiện 184 chuyến bay trong một năm, thải ra lượng carbon tương đương với lượng carbon mà một người bình thường thải ra trong 300 năm. 

Chuyên gia giao thông Stefan Gossling, trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng một nguyên nhân đằng sau sự gia tăng của hàng không tư nhân là do tác động của đại dịch COVID-19. Vào thời điểm đầu đại dịch, hoạt động hàng không thương mại bị ngưng, nên những người có máy bay riêng thường sử dụng chúng như phương tiện thay thế. Ngoài ra, đại dịch cũng khiến một số cá nhân siêu giàu càng giàu thêm. Và việc tích lũy nhiều tiền hơn trong một nhóm nhỏ vốn đã giàu có càng giúp họ tăng khả năng tiếp cận và quan tâm đến hàng không tư nhân hơn.

Một nghiên cứu từ tổ chức cứu trợ quốc tế Oxfam cho thấy lối sống hằng ngày và lựa chọn đầu tư của những người giàu nhất hành tinh đã thải ra lượng carbon nhiều đến mức có thể gây thiệt hại kinh tế và tử vong liên quan đến biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Cụ thể là thông qua việc sử dụng các phương tiện xa hoa - như máy bay phản lực tư nhân, siêu du thuyền - và liên tục đầu tư vào các ngành công nghiệp phát thải nhiều carbon, mà lượng CO2 trung bình do 50 tỉ phú giàu nhất thế giới thải ra chỉ trong 90 phút còn cao hơn cả lượng phát thải mà một người bình thường thải ra trong suốt cuộc đời.

Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) tính toán rằng 1% những người phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới có lượng khí thải carbon lớn hơn gấp 1.000 lần so với 1% những người nghèo nhất thế giới.

Trái đất đang ở vào thời điểm nóng lên ở cấp độ chưa từng có tiền lệ, với 2024 gần như chắc chắn sẽ trở thành năm nắng nóng nhất trong lịch sử, vượt mốc ghi nhận vào năm 2023. Đây là thông tin cập nhật được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố ngày 7-11, ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra từ ngày 11-22/11 tại Baku, Azerbaijan.

NGUYỆT CÁT (Theo AP, National Geographic)

Chia sẻ bài viết