04/02/2010 - 21:49

Giấu đầu lòi đuôi!

Chính quyền Washington và Islamabad chưa bao giờ công khai thừa nhận có sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Pakistan. Nhưng vụ đánh bom đẫm máu ở khu vực Tây Bắc hôm 3-2 lại “hé lộ” vấn đề chính trị nhạy cảm này.

Kênh truyền hình quốc gia Pakistan dẫn nguồn tin ban đầu từ hai phóng viên địa phương cho biết có 3 “nhà báo Mỹ” thiệt mạng trong vụ đánh bom vệ đường gần một trường học nữ, làm 10 người chết cùng với khoảng 100 người bị thương, chủ yếu là học sinh. Chính phủ Pakistan sau đó lập tức lên án vụ tấn công và cũng nhắc lại rằng có 3 “công dân Mỹ”tử vong.

Tuy nhiên, báo chí Mỹ, cụ thể là hãng tin AP, Thời báo New York và tờ McClatchy, lại cho biết 3 người Mỹ xấu số nói trên (cùng với 2 người nữa bị thương) thuộc “Lực lượng tác chiến đặc biệt” đang mặc áo dân sự. Theo McClatchy, đây là những binh sĩ Mỹ đầu tiên thiệt mạng ở Pakistan kể từ năm 1979, khi một thủy quân lục chiến gác cổng đại sứ quán Mỹ bị đám đông giẫm đạp đến tử thương.

Biết không thể tiếp tục bưng bít sự thật, nên khi báo giới chất vấn về sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Pakistan, đặc phái viên Mỹ phụ trách các vấn đề Nam Á Richard Holbrooke nói rằng Washington không hề cố ý che giấu lực lượng huấn luyện quân sự của mình tại nước này. “Không có gì phải bí mật về sự có mặt của họ ở đây”, ông Holbrooke nói một cách hùng hồn. Tuy nhiên, theo AP, dù đã ít nhất 4 lần tới Pakistan, ông Holbrooke hình như chưa bao giờ trực tiếp đề cập đến chương trình huấn luyện quân sự của Mỹ.

Thật ra, các quan chức Mỹ và Pakistan trước đây từng có lần cho hay lực lượng đặc nhiệm Mỹ gồm 32 người đã bắt đầu sang Pakistan huấn luyện quân sự từ năm 2008, nhưng từ đó đến nay không tiết lộ thêm điều gì. Còn hiện nay, theo Thời báo New York, lực lượng đặc nhiệm Mỹ có khoảng từ 60-100 thành viên, đảm trách huấn luyện cho lực lượng bán quân sự Quân đoàn Biên giới kỹ năng chống khủng bố, thu thập tin tức tình báo và hỗ trợ phát triển các chương trình dân sinh. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Trung tá Mark Wright, thì thừa nhận một cách nhát gừng rằng chỉ có chừng “vài chục” lính Mỹ tham gia chương trình huấn luyện chống khủng bố “theo lời mời của Chính phủ Pakistan”.

Thật ra, vấn đề không phải là có nhiều hay ít lính Mỹ ở đây, mà là có hay không. Pakistan không phải là nơi Mỹ có thể dễ dàng can thiệp như tại Iraq và Afghanistan, nên sự hiện diện quân sự là vấn đề tế nhị, có liên quan đến chủ quyền quốc gia và tình cảm của người dân. Một cuộc khảo sát hồi giữa năm ngoái của Viện Cộng hòa Quốc tế cho biết có tới 80% người dân Pakistan không muốn hợp tác với Washington trong cuộc chiến chống khủng bố. Sau khi “cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra” hôm 3-2, người dân đất nước Nam Á này càng tỏ ra nghi ngờ tính trung thực của chính phủ. Siraj Ahmed, một người dân ở thành phố Karachi, nói: “Ai điều hành đất nước này vẫn là một bí ẩn đối với chúng tôi. Đơn giản là tôi không thể hiểu được như thế nào mà nhà cầm quyền lại sẵn sàng áp đặt công việc của ngoại bang lên chúng tôi”.

PHÚC KIẾN

Chia sẻ bài viết