18/10/2014 - 18:12

Giấc mơ Nhật

 Khách tham quan chiếc máy bay thương mại xuất xưởng đầu tiên
của Nhật Bản ngày 18-10. Ảnh: AFP

Chiếc máy bay thương mại đầu tiên do Nhật Bản sản xuất có tên gọi Mitsubishi Regional Jet (MRJ) ngày 18-10 đã làm lễ “trình làng” tại sân bay Nagoya thuộc tỉnh miền Trung Aichi, mở ra triển vọng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tham gia vào thị trường đang làm ăn phát đạt này. Đây là loại máy bay hành khách có thân làm bằng sợi các-bon composite nhẹ giúp tiết kiệm nhiên liệu đúng theo “trường phái” của quốc gia ít tài nguyên thiên nhiên này.

MRJ là máy bay tầm trung, từ 76 đến 100 ghế ngồi, với giá khoảng 40-42 triệu USD. Hãng chế tạo là Mitsubishi Aircraft, chi nhánh của Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi. Với sự góp sức của Tập đoàn Toyota và Chính phủ Nhật Bản, chi phí nghiên cứu và phát triển MRJ khoảng 1,7 tỉ USD.

Chủ tịch Tập đoàn Mitsubishi Hideaki Omiya tuyên bố “sự ra đời của MRJ là một giấc mơ dài lâu của chúng tôi và là một trong những giấc mơ mà tất cả người dân Nhật Bản hằng mong đợi”. Quốc gia Mặt trời mọc đã bắt đầu thực hiện tham vọng chế tác máy bay thương mại bằng động cơ tua-bin cánh quạt YS-11 40 chỗ ngồi từ năm 1962 nhưng thất bại và bỏ dở sau 10 năm.

Dù còn phải qua tổng cộng 2.500 giờ bay thử nghiệm mà chuyến đầu tiên dự kiến vào quí 1-2015, nhưng MRJ đã nhận hợp đồng cung cấp hàng trăm chiếc cho các hãng hàng không Nhật và một số nước. Mitsubishi tin rằng họ đủ sức cạnh tranh nhu cầu máy bay thương mại tầm khu vực lên tới 5.000 chiếc trong 20 năm tới, bất chấp sự cạnh tranh quyết liệt của Brazil với các dòng máy bay Embraer E-Jet hay các dòng máy bay CRJ của hãng Bombardier (Canada) cùng những đối thủ mới như Nga và Trung Quốc. Tập đoàn Honda của Nhật cũng đang phát triển máy bay thương mại với hy vọng sẽ sớm cung cấp cho Bắc Mỹ và châu Âu vào năm tới.

Đặc biệt, Tổ hợp máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) đang có 2 dự án chế tạo máy bay với mẫu đầu tiên có tên gọi ARJ21 và hiện sẵn sàng cung cấp cho khách hàng sau bao lần phải hoãn lại vì các trục trặc kỹ thuật từ năm 2007. ARJ21 chỉ có 90 chỗ ngồi và Comac đang đặt nhiều tham vọng hơn vào mẫu C919 với 168 chỗ ngồi và tầm bay xa liên lục địa 5.100km, có thể cạnh tranh với Boeing 737 của Mỹ hay Airbus A230 của châu Âu.

“Giấc mơ Nhật” xem ra cũng là giấc mơ muốn khẳng định trình độ phát triển công nghệ hàng không của các nước lớn ngày nay.

ĐỨC TRUNG (Theo AP, Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết