22/03/2009 - 09:56

Giấc mơ đến Iraq !

Thanh niên Uganda nuôi mộng đổi đời từ nghề cầm súng.

Hàng nghìn đàn ông và phụ nữ ở Uganda (châu Phi) bất chấp hiểm nguy hăng hái lên đường sang Iraq làm việc. Hấp lực nào lôi kéo họ tha phương đến vùng đất nguy hiểm nhất thế giới?

Dưới cái nắng nóng như thiêu đốt, Juliet Kituye nhanh tay tháo và lắp lại khẩu AK-47 với sự chỉ dẫn của ông thầy người Zimbabwe. Cạnh cô, một thanh niên trẻ miệt mài tập nã đạn vào mục tiêu ảo. Đó là hai trong số 300 tân binh tham gia lớp huấn luyện sử dụng súng thô sơ trên một sân bóng bỏ hoang ở ngoại ô Thủ đô Kampala của Uganda. Rất nhiều người trong số họ “mù” súng ống nên tỏ ra lóng cóng khi cầm vũ khí trên tay. Mọi người nhiều lúc được cười một trận vỡ bụng vì sự vụng về, ngây ngô của lính mới. Tuy nhiên, tất cả có chung một ước mơ - được đến Iraq.

Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố kế hoạch rút quân khỏi chiến trường Iraq, hàng ngàn thanh niên Uganda hăng hái “nhập ngũ” như Juliet Kituye với hy vọng sẽ được tuyển sang Iraq làm lính đánh thuê. Theo chính phủ Uganda, hiện có hơn 10.000 công dân ở đất nước nghèo khó bậc nhất ở Đông Phi này đang làm việc cho các công ty an ninh tư nhân Mỹ tại Iraq. Họ liều mình bảo vệ các căn cứ quân sự Mỹ, sân bay và công ty khai thác dầu ở Iraq để đổi lấy mức lương “trong mơ”: 600 đô-la/tháng.

Chiến tranh Iraq được coi là cuộc chiến được tư nhân hóa bậc nhất trong lịch sử. Từ khi bắt đầu chiếm đóng Baghdad năm 2003, Lầu Năm Góc đã ký với các công ty an ninh tư nhân nước này hợp đồng cung cấp mọi thứ từ hậu cần cho đến an ninh với tổng trị giá lên tới 100 tỉ USD. Theo báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, cứ 5 đô-la (nước này) chi ở Iraq thì có 1 đô đi vào túi các nhà thầu an ninh. Để bảo đảm nguồn cung lính đánh thuê không gián đoạn, các công ty an ninh tư nhân Mỹ mở rộng địa bàn tuyển dụng sang các nước nghèo ở lục địa đen.

Vì thế không có gì khó hiểu khi các nhà thầu Mỹ tìm đến đất nước Uganda xa xôi, nơi dân chúng thất nghiệp đầy đường nhưng lại có khả năng nói tiếng Anh (Uganda từng là thuộc địa Anh). Chưa kể, Uganda từng là thành viên “liên minh tự nguyện” của cựu Tổng thống George Bush (nhóm khoảng 30 quốc gia cam kết ủng hộ kế hoạch Mỹ tấn công Iraq năm 2003). Và với 20 năm kinh nghiệm chống quân nổi dậy, Uganda sở hữu lực lượng cựu binh thiện nghệ - đó là toán người Uganda đầu tiên sang Iraq.

Quan trọng hơn là giá thuê dân Uganda rẻ bèo. Sau khi gửi tốp lính Uganda đầu tiên sang Iraq cuối năm 2005, trước sức ép cạnh tranh của các nước khác trong khu vực, chính phủ Uganda mạnh tay cắt giảm mức lương tối thiểu từ 1.300 USD còn 600 USD/tháng - quá “mềm” so với giá thuê một vệ sĩ từ Mỹ sang Iraq là 15.000 USD. Cạnh tranh gay gắt là vậy nhưng với những người Uganda tìm được việc làm thì Iraq có thể là miền đất hứa.

Paul Mugabe trở về Uganda cách đây 1 tháng. Với số tiền tích góp sau 12 tháng canh gác căn cứ Diamondback của Mỹ ở Mosul, phía Bắc Iraq, trở về làng, cựu binh Uganda có thân hình lực lưỡng này cất được cho gia đình 2 ngôi nhà, mua được 1 quán bar, lập đồn điền trồng chuối, và tăng đàn bò bố anh để lại lên 30 con. Mugabe dự tính lần tới về nước, anh sẽ tổ chức đám cưới cho dòng họ nở mày nở mặt. Tuy phấn khởi với cơ ngơi khiến nhiều người phải ganh tị nhưng Mugabe vẫn nhận thức rõ mình đang bán mạng để các công ty an ninh Mỹ hốt bạc. “Tôi kiếm được 600 USD/tháng nhưng các nhà thầu bỏ túi đến bạc tỉ - thật chẳng công bằng chút nào”.

Với gần 4 năm kinh nghiệm làm việc cho một nhà thầu Mỹ ở Iraq và Afghanistan, Moses Matsiko được xem là “bậc thầy” lính đánh thuê. Cuối năm 2006, đoàn xe ông hộ tống đi qua thành phố Fallujah (Iraq) bị đột kích. Bị trúng 7 phát đạn nhưng Matsiko vẫn bình an trong khi hai đồng nghiệp Mỹ bỏ mạng. Nhưng bất chấp hiểm nguy luôn rình rập, Matsiko đang ăn nên làm ra ở vùng đất chết. Từ khi thành lập năm 2007 tới nay, công ty ông huấn luyện và gửi 1.200 người Uganda sang Iraq. Trước thông tin Mỹ sắp rút quân về nước, Moses đang tìm kiếm cơ hội làm ăn ở những điểm nóng khác. “Nếu mọi việc suôn sẻ, trong tương lai không xa, tôi sẽ gửi người sang Afghanistan”, Moses cười cho biết.

SONG NGỌC
(Theo Csmonitor, BBC)
 

Theo một Bộ trưởng Uganda, hiện nay bình quân mỗi năm, lượng kiều hối từ Iraq đổ về nước xấp xỉ 90 triệu USD trong khi cà phê - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Uganda - mỗi năm chỉ mang lại khoảng 60-70 triệu USD.

Chia sẻ bài viết