17/01/2010 - 08:04

Gia đình không rác thải

Cũng như hầu hết các gia đình khác ở Anh, thùng rác nhà Strauss đầy ắp các thứ bỏ đi sau những ngày lễ Tết. Chỉ có điều đó là tất cả rác thải mà vợ chồng Richard - Rachelle và cô con gái Verona vứt bỏ trong suốt một năm qua. Tết năm ngoái, gia đình 3 thành viên này hạ quyết tâm tái chế càng nhiều thứ bỏ đi càng tốt.

Với quyết tâm năm 2009 chỉ đổ một thùng rác, trong năm vừa qua, Richard Strauss (53 tuổi), vợ anh Rachelle (37 tuổi) và bé Verona (8 tuổi) nhắc nhở nhau không mua bất kỳ món gì đóng gói; phân loại rác, tái sử dụng và tái chế mọi thứ có thể, ủ phân tất cả thức ăn thừa; rau cải, trái cây hoặc trồng tại nhà hoặc mua trực tiếp của nhà vườn. Để tránh việc sử dụng giấy gói hoặc bọc ni lông, gia đình ở Gloucestershire này thậm chí mang theo hộp đựng khi mua thịt, cá ngoài chợ. Nhờ vậy, lượng rác thải năm qua đã giảm đáng kể, bình quân mỗi tuần chưa tới 100 gam.

Gia đình Strauss khoe thùng rác cả năm 2009 của mình. Ảnh: Daily Mail 

Hầu hết những thứ trong “thùng rác cả năm” (nặng 5 kg) của nhà Strauss là túi đựng khoai tây chiên, món ăn ưa thích của bé Verona. “Hiện nay, loại túi đựng đó không thể tái chế được. Nhưng giờ mỗi tuần Verona chỉ còn mua một bịt khoai tây chiên và đựng nó vào hộp kín”, chị Rachelle cho biết. Theo Rachelle, nhiều người nghĩ với lối sống “nói không với rác thải”, tiệc Giáng sinh của gia đình chị chắc rất buồn chán nhưng thực tế không phải vậy. “Bàn tiệc nhà chúng tôi vẫn đầy đủ các món ngon nhưng tất cả thịt thà và rau cải đều là “cây nhà lá vườn” hoặc mua trực tiếp của nông dân. Chúng tôi sử dụng lại đồ trang trí Giáng sinh của những năm trước, tái sử dụng giấy gói quà cũ và mang thiệp chúc của năm ngoái đến nhà máy tái chế, và mọi người đều cảm thấy vui vẻ”, “nội tướng” Rachelle cho biết thêm.

Vợ chồng Rachelle quyết tâm theo đuổi lối sống thân thiện môi trường sau lần xem chương trình trên ti-vi báo động hiểm họa môi trường do túi ni lông gây ra cho sinh vật biển. Khi ấy, tháng 5-2008, Rachelle và chồng quyết định tập thói quen hạn chế thải rác, bắt đầu từ việc không sử dụng túi nhựa, thay vào đó dùng túi xách tái sử dụng nhiều lần mỗi khi đi mua sắm. Theo Rachelle, “hầu hết mọi người đều cảm thấy mình chẳng giúp ích được gì cho môi trường. Tuy nhiên, thông điệp của chúng tôi là nếu tất cả dân Anh mỗi năm chỉ cần tái chế 1 lon nhôm (đựng bia, nước giải khát) thì các bãi rác sẽ giảm bớt được 60 triệu lon nhôm. Vì thế bất kỳ ai cũng có thể làm lợi cho môi trường”.

Lối sống vì môi trường của gia đình Strauss không giới hạn ở việc không tạo ra rác thải mà còn mở rộng đến việc thắp sáng và sưởi ấm. Trong nhà, hầu hết các phòng đều dùng đèn LED sử dụng năng lượng Mặt trời. Mùa đông, gia đình sử dụng lò đốt củi để sưởi ấm và đun nước nóng.

Hơn 1 năm qua, vợ chồng Rachelle nổi tiếng không chỉ với lối sống “không rác thải” mà còn với website www.myzerowaste.com mà cả hai lập ra để chia sẻ bí quyết sống thân thiện với môi trường. Trung bình mỗi tháng, trang web này thu hút hơn 70.000 lượt người tham gia thảo luận, đề xuất những cách vứt bỏ rác theo hướng thân thiện với môi sinh. “Nhà tái chế thiết tha nhất nước Anh” - từ báo chí xứ sương mù dùng để gọi gia đình Strauss - đặt mục tiêu trong 12 tháng tới sẽ không thải ra bất kỳ thứ gì. “Đây là mục tiêu không dễ dàng gì nhưng tôi tin chắc gia đình mình có thể đạt được”, Rachelle tuyên bố.

QUỐC CHÂU (Theo Daily Mail, Telegraph, Timesonline)

Chia sẻ bài viết