24/01/2021 - 18:04

Gần 100 triệu người nhiễm COVID-19 

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 24-1, thế giới ghi nhận 99,4 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó hơn 2,13 triệu người đã tử vong.

Israel triển khai cảnh sát để chống dịch.

Israel triển khai cảnh sát để chống dịch.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với hơn 427.000 trường hợp tử vong trong tổng số 25,56 triệu ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Ðộ với hơn 153.000 ca tử vong trong số 10,65 triệu người mắc. Brazil đứng thứ 3 với 216.000 ca tử vong trong số 8,81 triệu bệnh nhân.

Đức thắt chặt biên giới

Cảnh sát Ðức ngày 24-1 bắt đầu tiến hành siết chặt kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn những người nhiễm SARS-CoV-2 nhập cảnh nước này, đặc biệt là những người nhiễm biến thể mới của virus trong bối cảnh chính phủ liên bang vừa đưa hàng chục quốc gia vào danh sách có nguy cơ lây nhiễm cao.

Cụ thể, Berlin đã đưa tổng cộng 32 nước vào danh sách các nước có nguy cơ lây nhiễm cao. Theo đó, tất cả trường hợp từ những nước này cần phải làm xét nghiệm sớm nhất 48 giờ trước khi nhập cảnh Ðức và chỉ các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính mới được nhập cảnh. Sau khi nhập cảnh cũng cần thực hiện quy định cách ly đủ 10 ngày. Trong số các nước châu Âu nằm trong danh sách nguy cơ cao có Estonia, Latvia, Litva, Bồ Ðào Nha, Slovenia, Tây Ban Nha và CH Séc. Ngoài ra, Ðức cũng sẽ kiểm soát chặt mọi trường hợp đến từ các nước phát hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 là Nam Phi, Brazil, Ireland và Anh.

Ngày 23-1, bệnh viện Humboldt tại thủ đô Berlin đã phải cách ly toàn bộ sau khi phát hiện 20 ca, gồm 14 bệnh nhân và 6 nhân viên y tế, nhiễm biến thể phát hiện ở Anh. Toàn bộ nhân viên và bệnh nhân phải tiến hành xét nghiệm sàng lọc, trong khi bệnh viện phải đóng cửa và tạm ngừng tiếp nhận bệnh nhân mới.

Ðến nay Ðức ghi nhận hơn 2,13 triệu ca nhiễm COVID-19 với trên 52.000 người tử vong.

Israel ra quân kiểm tra vi phạm

Trong khi đó, cảnh sát Israel bắt đầu ra quân rầm rộ, lập chốt chặn tại các cửa ngõ ra vào thành phố trên khắp đất nước để giám sát những người dân vi phạm lệnh phong tỏa toàn quốc.

Khoảng 200 trạm kiểm soát đã được dựng lên ở khắp các ngả đường, nhất là những huyết mạch giao thông kết nối các thành phố, nhằm đề phòng người dân tranh thủ những ngày nắng đẹp cuối tuần đi du lịch hoặc tập trung đông người ở các tụ điểm công cộng. Tất cả các phương tiện cá nhân, từ xe máy, ô tô đến xe đạp khi đi qua các trạm này đều phải dừng lại để kiểm tra giấy tờ và hỏi mục đích. Ngoài ra, còn có các đội cảnh sát cơ động đi tuần tại các bãi biển và các khu phố để kiểm tra người vi phạm và giải tán các đám đông.

Israel đang trong đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ ba kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Hôm 8-1, Chính phủ Israel tiếp tục quyết định siết chặt các quy định, đồng thời kéo dài lệnh phong tỏa đến hết tháng 1. Theo đó, người dân không được phép ra khỏi nhà ngoài bán kính 1km, trừ những trường hợp mua bán nhu yếu phẩm hoặc khẩn cấp. Các cửa hàng tạp hóa và siêu thị phải đóng cửa trước 19 giờ. Nếu không chứng minh được mục đích đi lại chính đáng, người vi phạm sẽ bị xử phạt 500 sherkel (khoảng 150 USD).

Số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Israel tính tới ngày 24-1 là gần 594.000 với hơn 4.300 người chết.

Ai Cập bắt đầu tiêm chủng

Từ ngày 24-1, Ai Cập bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng đại trà vaccine phòng COVID-19 do Hãng Sinopharm (Trung Quốc) sản xuất, với nhóm đối tượng ưu tiên là các nhân viên y tế, tiếp đó là những người mắc các bệnh mãn tính, rồi tới những người cao tuổi.

Ai Cập nhận lô vaccine đầu tiên của Sinopharm vào tháng 12-2020. Bộ trưởng Y tế Hala Zayed cho biết nước này cũng sẽ nhận 40 triệu liều vaccine, phần lớn do Hãng dược AstraZeneca phối hợp với Ðại học Oxford (Anh) sản xuất, thông qua Liên minh vaccine toàn cầu GAVI, với mục tiêu tiêm chủng cho 20% trong tổng số hơn 100 triệu dân nước này. Cho đến nay, Ai Cập ghi nhận trên 161.000 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 8.900 người không qua khỏi.

Các bác sĩ ở Anh kêu gọi rút ngắn khoảng cách giữa hai mũi tiêm

Tính đến ngày 23-1, tại Anh có 5,9 triệu người đã được tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 đầu tiên. Tuy nhiên, việc chính phủ hoãn tiêm mũi thứ hai vaccine của Hãng Pfizer (Mỹ) tới 12 tuần đang vấp phải chỉ trích từ các bác sĩ.

Chính phủ Anh đang kéo dài khoảng thời gian giữa mũi tiêm thứ nhất và mũi tiêm thứ hai nhằm đảm bảo càng có nhiều người được tiêm mũi đầu tiên càng tốt. Bộ Y tế Anh cho biết quyết định khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 12 tuần được đưa ra sau khi đánh giá kỹ lưỡng số liệu và phù hợp với khuyến nghị của 4 văn phòng y tế hàng đầu của nước này.

Trong một bức thư gửi Trưởng Văn phòng Y tế England, Hiệp hội Y khoa Anh cho biết khoảng cách 12 tuần giữa mũi tiêm thứ nhất và mũi tiêm thứ hai vaccine của Pfizer là trái với hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hiệp hội kêu gọi Chính phủ Anh rút ngắn khoảng cách này xuống tối đa là 6 tuần.

Trong khi đó, Pfizer và đối tác BioNTech (Ðức) cảnh báo rằng không có bằng chứng cho thấy vaccine do họ phối hợp sản xuất sẽ tiếp tục có khả năng phòng bệnh nếu mũi thứ hai được tiêm quá 3 tuần kể từ mũi thứ nhất.

QUỐC KHÁNH (TTXVN, Times of Israel)

Chia sẻ bài viết