20/09/2015 - 08:45

Facebook - “kim chỉ nam” cho người di cư Iraq

Đối mặt với cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và một nền kinh tế bị tàn phá bởi chiến tranh và xung đột, hàng chục ngàn người Iraq đã và đang tham gia vào làn sóng hàng trăm ngàn người tị nạn Syria trong hành trình đến châu Âu. Trong đó, mạng xã hội Facebook nghiễm nhiên được di dân Iraq coi là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp họ thực hiện giấc mơ tới trời Âu

Theo lời Yousif Aljanabi – một di dân Iraq đang trong chặng đường từ Serbia tới Tây Âu, anh trước đây không hề biết mình có thể chạy trốn khỏi Iraq để sang châu Âu cho đến khi đề tài này xuất hiện trên trang Facebook cá nhân. Không chỉ có ảnh minh họa, nội dung các bài viết được mọi người chia sẻ còn bao gồm bản đồ, thủ thuật, thậm chí cả địa chỉ liên hệ cá nhân, tổ chức hỗ trợ người vượt biên được thành lập vô số trên Facebook.

"Tạ ơn Chúa, tôi đã tới nước Đức. Đừng quên cầu nguyện cho tôi" – là chia sẻ mà Anwar al-Sary, một di dân Iraq ghi dưới đoạn clip đăng tải lên Facebook trong tháng này. Anh cũng không quên bày tỏ sự cám ơn đến nhà đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg trên trang cá nhân bởi chính mạng xã hội này đã khơi gợi ý muốn bỏ trốn khỏi Iraq, và sau đó trở thành cầu nối liên lạc giữa anh với những người đồng hành khác.

 Ảnh chụp trang Facebook của nhóm buôn người có tên “Đưa người vượt biên từ Izmir sang châu Âu giá cực rẻ” với hơn 4.000 lượt “like” trước khi bị Facebook đóng cửa. Ảnh: Facebook

Theo Washington Post, cuộc khủng hoảng di cư không chỉ làm đau đầu giới chức châu Âu, mà còn để lại cho Iraq hậu quả nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Hồi tháng 3, Bộ trưởng Lao động Iraq cho biết tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã hơn 25%. Con số thống kê của phái đoàn Liên Hiệp Quốc tại Iraq cho thấy, có hơn 50.000 người Iraq trốn sang châu Âu trong 3 tháng qua so với 68.000 người Iraq xin tị trong năm 2014. Theo giới chức Iraq và các nhà phân tích, kết nối trực tuyến – đặc biệt là mạng xã hội như Facebook đang là một trong những công cụ, thậm chí mang tính cộng đồng khi càng có nhiều người tham gia hành trình nguy hiểm vượt Địa Trung Hải, bởi họ chỉ cần sở hữu một chiếc điện thoại thông minh là có thể tìm kiếm thông tin.

Dựa trên ước tính của công ty tư vấn đầu tư đa quốc gia Pricewaterhouse Cooper (PwC), Iraq có 34 triệu dân nhưng chỉ 9% dân số sử dụng Internet hàng ngày. Tuy nhiên, tại quốc gia vùng Vịnh này lại có hơn 2 triệu người dùng có tài khoản Facebook và ít nhất 27 triệu người sử dụng điện thoại di động. Đặc biệt hiện nay, ngay cả những người không có điều kiện cũng đang dành phần lớn thời gian trên máy tính hòng tìm cách tốt nhất để rời khỏi Iraq. Bởi ngoài những thông tin chia sẻ, kêu gọi người khác cùng bỏ trốn, các nhóm hoạt động trên Facebook còn để lại thông tin liên lạc của các tổ chức đưa người vượt biên trái phép đến châu Âu. Abu Zahra - một tay đưa người vượt biên ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết mức giá mỗi người cho một chuyến đi là 1.000 USD và anh ta đang kiếm được nhiều khách hàng hơn nhờ mối liên lạc qua trang mạng xã hội phổ biến nhất thế giới này.

Dịch vụ trên đặc biệt nở rộ khi ngoài những đối tượng chạy trốn bạo lực, làn sóng di cư còn bao gồm một bộ phận người dân muốn đổi đời. Musab al-Sheikh là trường hợp như vậy. "Tôi là một kỹ sư xây dựng sắp tốt nghiệp. Ai đó có thể cho tôi biết chi phí để đến Đức là bao nhiêu hay không? Và nếu ai đó có số của người giúp vượt biên có kinh nghiệm, xin hãy để lại trong phần ý kiến ​​dưới đây. Tôi sẽ rất biết ơn" – đây là dòng trạng thái Sheikh đăng trên trang Facebook của một nhóm kêu gọi người dân di cư gồm 195.000 thành viên. Chỉ trong vòng vài phút, dòng trạng thái của Sheikh nhận được hàng chục ý kiến tư vấn về thị trường việc làm tại Đức và một loạt số điện thoại của bọn buôn người.

Nhưng vì có quá nhiều thông tin, những người muốn di cư hiện cũng không biết ai để tin tưởng. Ali al-Bahadily, một cư dân sống ở Thủ đô Baghdad đang chuẩn bị cùng vợ con rời khỏi đất nước cho biết, hàng ngày gia đình ông phải lên Facebook để biết thông tin và tìm lời khuyên. Trong khi đó, Haider al-Farouq cho biết gia đình mình không muốn vượt biên đến châu Âu, nên anh ta đã sử dụng Facebook để rủ thêm 6 người khác cùng tham gia. Để tránh người thân lo lắng, al-Farouq cho biết anh tất nhiên sẽ gửi thông tin cập nhật về hành trình lên mạng xã hội, chẳng hạn Instagram hay Facebook. Và như vậy, một vòng quay mới lại bắt đầu.

MAI QUYÊN (Theo Washington Post)

MAI QUYÊN (Theo Washington Post)

Chia sẻ bài viết