21/04/2021 - 08:52

EU “xoay trục” sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 

Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố tầm nhìn mới và toàn diện về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm bảo vệ lợi ích của khối, cũng như đối phó sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc.

Tàu Hải quân Pháp cập cảng Metro Manila trong chuyến thăm Philippines mới đây. Ảnh: Reuters

Theo Hãng tin Reuters, chiến lược hợp tác của EU ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên nhiều lĩnh vực như thương mại, y tế, biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải đã được ngoại trưởng 27 nước thành viên thông qua hôm 19-4. Đồng ý về lợi ích lớn của khối tại khu vực có vị trí địa chiến lược ngày càng quan trọng này, các quan chức ngoại giao trong tuyên bố chung cho biết liên minh cần làm rõ những nhiệm vụ trọng tâm và đưa ra chính sách củng cố, tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuyên bố cũng lưu ý cách tiếp cận tích cực nhằm thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, một sân chơi bình đẳng cũng như môi trường mở và công bằng cho thương mại và đầu tư; tăng cường khả năng chống chịu và đối phó biến đổi khí hậu hoàn toàn phù hợp với mong muốn của nhiều quốc gia trong vùng nhằm đảm bảo họ không phải chọn giữa Mỹ hay Trung Quốc.

Trước mắt, các nhà ngoại giao nhất trí tìm kiếm giải pháp thắt chặt quan hệ với những đối tác “cùng chí hướng” như Ấn Độ, Nhật Bản, Úc để duy trì quyền cơ bản ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nỗ lực này cũng nhằm chứng minh cho Bắc Kinh thấy quyết tâm của khối chống lại sự bành trướng của những hành vi chuyên quyền. Bên cạnh đó, báo cáo chiến lược cho biết EU sẽ tích cực tham gia Diễn đàn khu vực ASEAN, mở rộng đối thoại an ninh và quốc phòng, thực hiện những bước cần thiết hướng tới ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác hơn. Theo Reuters, kế hoạch chi tiết sẽ được công bố vào tháng 9, tập trung vào các cam kết duy trì và bảo vệ sự phát triển bền vững trong toàn vùng dựa trên giải pháp thúc đẩy dân chủ, pháp quyền, nhân quyền và luật pháp quốc tế trong bối cảnh khu vực đang chứng kiến nhiều biến động và căng thẳng.

Tuyên bố được đưa ra khi châu Âu tỏ thái độ cứng rắn để phản đối Trung Quốc trong các vấn đề liên quan tình hình Hong Kong, cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và đại dịch COVID-19. Tuy EU khẳng định chiến lược “xoay trục” mới không nhằm chống lại Bắc Kinh, nhưng giới phân tích đánh giá động thái này đang gởi đi thông điệp ủng hộ của khối đối với lời kêu gọi hợp tác của Tổng thống Mỹ Joe Biden trước quan ngại về tham vọng từ Trung Quốc có thể đe dọa phương Tây và các đối tác thương mại châu Á. Hiện chưa rõ EU sẵn sàng tiến xa đến đâu, nhưng khả năng sẽ có thêm nhiều hoạt động ngoại giao và đẩy mạnh đầu tư vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đặc biệt, EU có thể xem xét tăng cường hiện diện quân sự ứng phó các thách thức đối với an ninh quốc tế.

Lập trường chung của châu Âu đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được xác định sau khi Pháp, Đức và Hà Lan lần lượt công bố chiến lược riêng về khu vực này. Hồi tháng rồi, chính quyền Thủ tướng Anh Boris Johnson trong báo cáo tổng thể về chính sách quốc phòng, an ninh, phát triển và đối ngoại cũng xác định một số đổi mới về mặt chính sách như chiến lược hướng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo giới quan sát, sự ra đời của những tài liệu chiến lược này phản ánh sự chuyển dịch về châu Á trong quan hệ quốc tế và sự công nhận đối với khu vực trong vai trò trung tâm địa chính trị của thế giới.

MAI QUYÊN (Theo Business Standard, SCMP)

Chia sẻ bài viết