10/05/2014 - 09:39

EU lo ngại phe cực hữu lên ngôi

Mặt trận Quốc gia (FN) cực hữu do bà Marine Le Pen lãnh đạo đang chiếm ưu thế trong các cuộc thăm dò trước bầu cử EP tại Pháp. Ảnh: AFP

Trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt cảnh báo các đảng chính trị bài châu Âu với chủ trương chống nhập cư có thể chiếm ưu thế khi mà phần lớn người dân đang bất mãn trước thất bại của Liên minh châu Âu (EU) trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Theo dự kiến, cử tri tại 28 quốc gia EU sẽ bắt đầu bỏ phiếu để bầu ra 751 thành viên EP từ ngày 22 đến ngày 25-5 tới. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự trỗi dậy của các chính trị gia cực hữu với chiến dịch vận động hạn chế nhập cư được ủng hộ tại Anh, Pháp cùng một số quốc gia khác đang có khuynh hướng làm thay đổi quá trình hội nhập nội khối EU. Trả lời trong một cuộc phỏng vấn hôm 8-5, Thủ tướng Reinfeldt cho rằng chính khủng hoảng kinh tế đã làm suy yếu sức mạnh hội nhập của EU bên cạnh sự hình thành chủ nghĩa dân tộc dẫn đến bất ổn. Về tình hình trong nước, người đứng đầu đảng ôn hòa Thụy Điển cũng thừa nhận tình hình khó khăn của liên minh trung hữu cầm quyền khi xếp sau đảng Dân chủ Xã hội đối lập trong các cuộc thăm dò. Tuy nhiên, ông Reinfeldt khẳng định Thụy Điển sẽ không từ bỏ chính sách trung lập và không sớm tham gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Cùng quan điểm, Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 8-5 cũng bày tỏ lo ngại khi lên tiếng cảnh báo về khả năng giành thắng lợi của những người theo trào lưu ly khai và chủ nghĩa dân tộc tại cuộc bầu cử EP sắp tới.

Phát biểu trên tờ Le Monde nhân kỷ niệm 69 năm ngày chiến thắng phát xít Đức và kết thúc chiến tranh Thế giới thứ hai trên toàn châu Âu, Tổng thống Hollande cho biết EU nói riêng và châu Âu nói chung đang cố gắng xóa đi dấu tích chiến tranh và xây dựng một thế giới mới. Tuy nhiên, khối này đang đối mặt với lực lượng lợi dụng khủng hoảng kinh tế như một cái cớ để bài EU, khuyến khích chủ nghĩa dân tộc và chống đối người nhập cư. Qua đó, Tổng thống Hollande kêu gọi sự ủng hộ của người dân trong cuộc bầu cử EP để bảo vệ những gì châu Âu đã đạt được trong gần 70 năm qua. Theo kết quả thăm dò tại Pháp, hiện Mặt trận Quốc gia (FN) theo đường lối cực hữu đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 22%, xếp thứ hai là đảng trung hữu bảo thủ Liên minh Phong trào nhân dân (UMP) 21% trong khi đảng Xã hội cầm quyền chỉ chiếm 17%.

MAI QUYÊN
(Theo Reuters, Prensa Latina)

Chủ tịch EC: Anh có thể được đối đãi như "thành viên đặc biệt"

Ảnh: Corbis

Trong một phát biểu đáng chú ý hôm 8-5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso (ảnh) tuyên bố Anh có thể được đối đãi như một "thành viên đặc biệt" trong Liên minh châu Âu (EU).

"Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng châu Âu sẽ mạnh mẽ hơn khi có Anh là thành viên và Anh cũng mạnh mẽ hơn nếu là thành viên EU so với chỉ đứng một mình. Nhưng tôi phải thừa nhận sự thật là vì những lý do lịch sử, địa-chính trị và kinh tế, Anh có thể được nhìn nhận như một trường hợp đặc biệt" - ông Barroso nói. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh những ưu tiên dành cho Anh sẽ không tạo thành tiền lệ áp dụng cho bất kỳ quốc gia nào khác.

Theo Guardian, bình luận trên chứng tỏ Chủ tịch sắp mãn nhiệm của EC tin rằng EU có khả năng nhượng bộ Anh trong cuộc đàm phán về tương lai quan hệ Anh-EU, dự kiến diễn ra sau cuộc bầu cử ở Anh vào năm tới. Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố nếu đảng Bảo thủ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này, ông sẽ thương lượng với Brussels để giành lại một số quyền cho Luân Đôn trước khi tổ chức trưng cầu dân ý vào năm 2017 về việc tiếp tục ở lại hay rời khỏi EU.

NG. CÁT (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết