17/07/2025 - 21:45

EU chia rẽ về vấn đề ngân sách 

Nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách như cạnh tranh ở nước ngoài hay nguy cơ quân sự từ Nga đang vấp nhiều trở ngại, đặc biệt khi khối 27 nước thành viên đứng trước nguy cơ đấu đá nội bộ liên quan đề xuất ngân sách dài hạn.


Chủ tịch EC von der Leyen trình bày đề xuất ngân sách. Ảnh: EPA

 

“Khai hỏa” cho cuộc chiến chính trị lớn và phức tạp nhằm định hình tương lai EU, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 16-7 đã trình bày đề xuất tăng ngân sách từ mức gần 1.400 tỉ USD hiện nay lên hơn 2.000 tỉ USD cho giai đoạn 2028-2034. Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, đề xuất “mang tính chiến lược, linh hoạt và minh bạch” hơn này thể hiện tham vọng của EU khi liên minh đang đối mặt loạt thách thức gồm di cư, quy định kỹ thuật số, cạnh tranh nước ngoài và mối đe dọa quân sự từ Nga.

Ngân sách EU, tên gọi chính thức là Khuôn khổ Tài chính đa niên (MFF), quyết định tổng nguồn lực khả dụng chia đều cho 27 quốc gia thành viên và phân bổ nguồn tiền cho nhiều chính sách khác nhau như nông nghiệp, quốc phòng, an ninh, năng lực cạnh tranh, nghiên cứu, trao đổi sinh viên cùng nhiều hoạt động gắn kết trong khối.

Trong dự thảo đề xuất được trình lên Nghị viện châu Âu (EP), khoản tiền lớn nhất trị giá 1.000 tỉ USD sẽ phân bổ cho quỹ đối tác quốc gia và khu vực. Hơn 500 tỉ USD khác dành riêng cho nỗ lực đầu tư của EU trong các lĩnh vực công nghệ sạch, kỹ thuật số, công nghệ sinh học, quốc phòng, không gian và thực phẩm; trong khi nguồn quỹ hỗ trợ nông dân rơi vào khoảng 348 tỉ USD. Ngoài ra, EU sẽ giữ lại 116 tỉ USD cho cam kết hỗ trợ tái thiết Ukraine cũng như các “quỹ linh hoạt” mới để phòng trường hợp khủng hoảng.

Theo tờ Le Monde, năng lực tài chính của EU phụ thuộc vào dự luật trên và đây sẽ là cơ sở cho các cuộc đàm phán kéo dài có thể gây tranh cãi giữa EC, EP và 27 nước thành viên. Ở giai đoạn này, bài thuyết trình của EC không được các nghị sĩ châu Âu đón nhận. Thậm chí EP có thể từ chối tham gia đàm phán, trong đó các nghị sĩ sẽ thông qua nghị quyết yêu cầu EC rút lại đề xuất và trình bày một cơ sở mới để đưa đàm phán trở lại đúng hướng.

Trước nay, ngân sách EU phần lớn được xây dựng thông qua đóng góp của các nước thành viên cùng với những khoản thu khác như thuế hải quan. Không giống những năm trước, EU đang phải gánh khoản nợ đến hạn từ khoản vay chung của các nước thành viên trị giá hơn 900 tỉ USD để giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và chi cho công tác tái thiết kinh tế. Khoản nợ này ước tính tăng thêm 29-34 tỉ USD/năm kể từ năm 2028. Do đó, đóng góp dự kiến sẽ tăng nhẹ từ 1,13% tổng thu nhập quốc dân (GNI) của các quốc gia thành viên lên 1,15% cộng với 0,11% dành để trả khoản vay COVID-19. Trong dự thảo, EC cho biết khoản tăng được đề xuất còn có thể được huy động bằng những nguồn thu mới như thuế đánh vào các công ty lớn có doanh thu hàng năm 60 triệu USD trở lên, thuế biên giới carbon, thuế rác thải điện tử hoặc một phần thuế thuốc lá quốc gia.

Tuy nhiên, một số nước chẳng hạn như Ðức không muốn góp nhiều hơn vào quỹ chung. Các nhà lập pháp EU từng nhiều lần cáo buộc Berlin không đóng góp đủ cho các ưu tiên như thích ứng với biến đổi khí hậu, trợ cấp nông nghiệp vốn chiếm phần lớn ngân sách.

Trong dấu hiệu cho thấy những tranh cãi gay gắt hơn sắp tới, người phát ngôn Chính phủ Ðức Stefan Kornelius nói rằng tăng toàn diện ngân sách EU là không thể chấp nhận được vào thời điểm tất cả nước thành viên đang nỗ lực củng cố ngân sách quốc gia. Berlin cũng phản đối lời kêu gọi của EC yêu cầu các công ty lớn nộp nhiều thuế hơn nữa.

Phản ánh lo ngại của Ðức, một số quốc gia đóng góp vào EU nhiều hơn số tiền nhận lại đã lập tức lên tiếng cảnh báo. Ðơn cử như Hà Lan, Bộ trưởng Tài chính nước này Eelco Heinen cho biết ngân sách đề xuất “là quá cao” cả về tỷ lệ GNI lẫn giá trị thực tế. Chung quan điểm, giới chức Thụy Ðiển không cho rằng các vấn đề của EU có thể giải quyết chỉ bằng ngân sách lớn hơn.

Về phần mình, Bộ trưởng phụ trách châu Âu của Pháp Benjamin Haddad ủng hộ tham vọng của EC. Song, việc nước này đang đối mặt những thách thức tài chính riêng, bao gồm nợ công và thâm hụt ngân sách cao, khiến cam kết tăng đóng góp cho EU trở nên khó khăn hơn.

MAI QUYÊN (Theo AFP, DW)

Chia sẻ bài viết