27/09/2022 - 22:47

Edward Snowden trở thành công dân Nga 

MAI QUYÊN (Theo AP, Reuters)

Thông tin “Người thổi còi” Edward Snowden (ảnh) được Nga cấp quốc tịch sau gần 10 năm sống lưu vong một lần nữa khiến cộng đồng tình báo nghi hoặc về những gì cựu nhân viên kỹ thuật Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) có thể đã chia sẻ với Mát-xcơ-va.

Theo sắc lệnh được Tổng thống Vladimir Putin ký và đăng trên trang web Chính phủ Nga, Edward Snowden là một trong 75 người nước ngoài được Mát-xcơ-va trao quyền công dân đợt này. Cựu nhân viên NSA được Nga cấp quyền thường trú nhân vào năm 2020 và bắt đầu làm thủ tục xin nhập quốc tịch Nga, nhưng không từ bỏ quốc tịch Mỹ. Cùng năm, vợ anh cũng là công dân Mỹ đã nộp đơn xin cấp hộ chiếu Nga. Hai người hiện sống ở Nga và có hai con. “Sau 2 năm chờ đợi và gần 10 năm xa xứ, chút ổn định sẽ tạo nên sự khác biệt cho gia đình tôi. Tôi cầu nguyện cho sự riêng tư của gia đình và tất cả chúng ta” - Snowden viết trên Twitter.

Năm nay 39 tuổi, Edward Snowden từng là chuyên gia an ninh máy tính và làm việc ở bộ phận liên lạc toàn cầu tại trụ sở Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) giai đoạn 2005-2008. Năm 2009, Snowden chuyển sang làm cho các nhà thầu tư nhân, bao gồm hãng máy tính Dell và công ty tư vấn Booz Allen Hamilton. Thời gian này, Snowden được cử tới làm cho văn phòng chia sẻ thông tin của NSA ở Nhật Bản và Hawaii. Tháng 6-2013, dư luận thế giới được phen rúng động khi Snowden tiết lộ với truyền thông những tài liệu mật về hoạt động do thám toàn cầu của các cơ quan tình báo Mỹ và Anh. Gây chú ý nhất là chương trình của NSA thu thập dữ liệu đi qua cơ sở hạ tầng của các công ty điện thoại và Internet Mỹ. Snowden tiếp tục khiến cộng đồng quốc tế sửng sốt khi công bố chi tiết những tin tình báo mật cũng như mức độ giám sát của Mỹ đối với các quan chức nước ngoài, bao gồm lãnh đạo nhiều quốc gia đồng minh.

Trong hồi ký xuất bản năm 2019, Snowden cho biết quyết định chống lại NSA được đưa ra khi anh ta tạo kho lưu trữ các ghi chú bảo mật nội bộ về hoạt động do thám của cơ quan trên toàn cầu. Khi đó, Snowden bắt đầu hiểu mức độ Chính phủ Mỹ “dẫm đạp lên quyền tự do dân sự” thông qua các chương trình giám sát toàn diện. Snowden nói rằng anh tiết lộ vì nghĩ cộng đồng tình báo đã đi quá xa và không tin chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ hành động nếu anh ta đưa ra khiếu nại nội bộ. Sau khi các thông tin rò rỉ, Snowden bị giới tình báo và quan chức lưỡng đảng Mỹ chỉ trích kịch liệt. Những nhà thực thi pháp luật Mỹ cáo buộc Snowden tiết lộ trái phép thông tin tình báo và an ninh quốc gia, cũng như hành vi trộm cắp tài sản của chính phủ. Nếu bị kết tội, Snowden có thể đối mặt bản án lên tới 30 năm tù.

Phủ nhận mọi hành vi sai trái, Snowden vào cuối tháng 6-2013 đã trốn sang Hong Kong (Trung Quốc) và tới Nga để tránh bị truy tố. Kể từ thời điểm đó, Snowden trở thành diễn giả nổi tiếng về quyền riêng tư và thông tin tình báo trong nhiều sự kiện trực tuyến ở Nga. Năm 2016, Quốc hội Mỹ công bố báo cáo cho biết Snowden đã tiếp xúc các quan chức tình báo Nga kể từ khi đến đây, bất chấp bác bỏ từ đương sự. Nhân diễn biến mới quanh nhân vật này, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper cho rằng việc Snowden được cấp quyền công dân gây ra khá nhiều tò mò và một lần nữa dấy lên nghi vấn về những gì anh ấy đã chia sẻ với người Nga. Về phần mình, Nhà Trắng không bình luận về quyền công dân Mỹ của Snowden mà chuyển tới Bộ Tư pháp, với lý do các cáo buộc hình sự đang chờ xử lý. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói thêm rằng quan điểm của Washington không thay đổi và ông Snowden nên trở về nước để đối mặt với công lý như bất kỳ công dân Mỹ nào khác. Năm 2019, Snowden cho biết sẵn sàng quay trở lại Mỹ nếu được đảm bảo một phiên tòa công bằng.

Edward Snowden trở thành công dân Nga giữa thời điểm Mát-xcơ-va đang vận động lực lượng dự bị để tham chiến ở Ukraine, do đó nhiều người Nga đã đùa rằng liệu cựu nhân viên an ninh quốc gia Mỹ có được gọi đi nghĩa vụ quân sự theo sắc lệnh mới hay không. Ở Nga, hầu hết nam giới đều được coi là dự bị cho đến 65 tuổi, và các quan chức đầu tuần này cũng khẳng định những người đàn ông mang 2 quốc tịch đều đủ điều kiện để gọi nhập ngũ. Nhưng theo luật sư đại diện, ông Snowden chưa từng phục vụ trong lực lượng vũ trang Nga, do đó không đáp ứng yêu cầu được điều động.

Chia sẻ bài viết