 |
Tổng thống Nga Medvedev (trái) và Phó Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh: AP |
Trong chuyến thăm 2 ngày tới Mát-xcơ-va hôm 9 và 10-3, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin, nhằm thảo luận nhiều vấn đề song phương giữa Mỹ và Nga. Mục đích chuyến đi của ông Biden là “dọn đường” cho Tổng thống Barack Obama sang thăm Nga dự kiến vào mùa hè tới. Tuy nhiên, tình hình bất ổn ở thế giới A-rập đã phủ bóng đen lên chuyến thăm Nga lần này của ông Biden.
Trong khi Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đang cân nhắc nhiều khả năng can thiệp vào Libye, trong đó có áp đặt vùng cấm bay trên bầu trời Libye, Nga đã lên tiếng phản đối bất kỳ sự can thiệp bên ngoài nào vào nội bộ nước này. Đại sứ Nga tại NATO tuần rồi cho rằng: “Cấm không lực quốc gia hoặc hàng không dân dụng của một nước cất cánh trên không phận của họ là sự can thiệp thô bạo vào vấn đề nội bộ của nước khác”.
Là một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, Nga có thể đang hưởng lợi nhờ giá dầu leo thang từ sự rối loạn ở Trung Đông và Bắc Phi, đặc biệt là ở Libye nước xuất khẩu dầu lớn thứ ba ở châu Phi. Thế nhưng, quan điểm của Mát-xcơ-va là vẫn muốn giữ nguyên hiện trạng thế giới A-rập. Georgi Mirsky, chuyên gia tại Viện Kinh tế thế giới và quan hệ Quốc tế ở Mát-xcơ-va, cho rằng nguyên tắc cơ bản của các nhà lãnh đạo Nga, kể cả từ thời Liên Xô, là ủng hộ các chính quyền hiện tại, phản đối biểu tình lật đổ. Kremlin còn đang chờ đợi điều gì sẽ xảy ra với nhà lãnh đạo Libye Muammar Gadhafi, mọi việc sẽ kết thúc thế nào và các nhà lãnh đạo Nga muốn cho ông Gadhafi một lối thoát nếu họ có thể.
Mát-xcơ-va cũng đã bày tỏ sự hoài nghi sâu sắc về các phong trào biểu tình nhằm mục đích lật đổ chế độ ở một số nước thời gian qua. Thủ tướng Putin mới đây lên tiếng lo ngại rằng làn sóng biểu tình từ Trung Đông và Bắc Phi có thể lan tới cộng đồng Hồi giáo chiếm 20% dân số Nga, đặc biệt là ở khu vực Bắc Kavkaz. Ông Putin nói: “Đừng trấn an rằng các tổ chức cực đoan không thể lên nắm quyền ở Bắc Phi. Nếu điều đó xảy ra, thực tế ấy có thể sẽ lan rộng tới nhiều khu vực khác trên thế giới, kể cả Bắc Kavkaz”.
Anh và Pháp đang giục Liên Hiệp Quốc áp đặt vùng cấm bay ở Libye và nếu bạo lực tiếp tục leo thang ở nước này, Mỹ có thể sẽ ủng hộ giải pháp đó. Tuy nhiên, bất kỳ nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an LHQ cũng cần có sự ủng hộ của Nga, với tư cách thành viên thường trực có quyền phủ quyết. Thế nên, thuyết phục được Nga đồng thuận là nhiệm vụ hết sức khó khăn của ông Biden trong chuyến đi này.
Vì thế, ông Biden đã dùng “cái bánh ít” là ủng hộ Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để mong nhận lại “cái bánh quy” của Nga trong vấn đề Libye. Trong cuộc gặp với Tổng thống Medvedev hôm 9-3, ông Biden nói rằng việc Nga vào WTO là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Ông Biden không tiếc lời khen Nga, cho rằng đây là “đất nước của đổi mới, thay đổi và hiện đại hóa”. Cần nhắc lại rằng Nga đã đàm phán vào WTO suốt 17 năm qua, mà chướng ngại lớn nhất của tiến trình này là Mỹ và các đồng minh châu Âu.
Nhưng liệu cái bánh ít cho đi có lấy lại được cái bánh quy như ý hay không thì còn phải chờ xem.
N. MINH (Theo Csmonitor, Reuters)