11/06/2011 - 08:02

Dư luận quốc tế phản ứng về tình hình biển Đông

Trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông, giới truyền thông quốc tế có nhiều nhận định bất bình về sự ngang ngược của Trung Quốc đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

 Đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ để đòi chủ quyền vùng biển Đông.

Thời báo châu Á (Atimes) ngày 10-6 dẫn lại phát biểu mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Hội nghị an ninh cấp cao châu Á-Thái Bình Dương diễn ra ở Singapore để cho thấy có sự bất nhất giữa lời nói và việc làm của phía Trung Quốc, sau khi tàu cá Trung Quốc một lần nữa cố tình lao vào cắt tuyến cáp khảo sát trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã phát biểu trước các đối tác Đông Nam Á hồi cuối tuần rồi là Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định thông qua hợp tác an ninh và rằng Trung Quốc kiên định chính sách quan hệ hữu nghị và láng giềng tốt. Ấy vậy mà hôm qua khi trả lời báo giới về vụ mới xảy ra ngày 9-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang ngược cho rằng Việt Nam đã “vi phạm nghiêm trọng” chủ quyền Trung Quốc và gây nguy hiểm cho mạng sống các thủy thủ của Trung Quốc trong một tranh chấp chủ quyền đang leo thang. Thời báo châu Á cho rằng hành động của tàu Trung Quốc đã bất chấp tuyên bố chủ quyền lãnh hải theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) của 4 nước ASEAN là Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines, và rằng tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là không thể chấp nhận được.

Thời báo châu Á viết: “Việt Nam đã xác lập chủ quyền vùng thềm lục địa theo UNCLOS và tiến hành các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản ở một số quần đảo của mình ít nhất từ thế kỷ 17. Trong khi đó, mặc dù tuyên bố quyền lợi theo UNCLOS, nhưng Trung Quốc xem hiến chương này không thích hợp với “quyền tài phán” của họ ở Biển Đông (!?). Tháng 6-2009, Trung Quốc đơn giản chỉ đưa ra bản đồ thô thiển về đường chín khúc (còn gọi là đường lưỡi bò) và không áy náy trình bày tiêu chí về địa lý và địa hình học mà Công ước Luật biển đã quy định, để nói về chủ quyền ở Biển Đông”.

Theo Thời báo châu Á, Bắc Kinh đã ngang ngược cảnh báo các công ty dầu quốc tế không tiến hành các hợp đồng thăm dò ở những vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo các nguồn tin từ báo giới Philippines, lực lượng hải quân Trung Quốc đang có kế hoạch đặt những tiền đồn mới ở vùng lãnh hải của Philippines. Andi Widjajanto, chuyên gia an ninh tại Đại học Indonesia, nói trên báo The Jakarta Post rằng những vụ việc gần đây trên Biển Đông và tranh cãi giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines chỉ cho thấy ý đồ của Trung Quốc là sẽ đơn phương hành động mọi việc bất chấp những tuyên bố đàm phán hòa bình của nước này.

N. MINH (Theo Atimes, Jakartapost)

Chia sẻ bài viết