Việc Thủ tướng Shinzo Abe đến bệnh viện lần thứ hai trong vòng vài ngày làm dấy lên những lo ngại về khả năng tiếp tục lãnh đạo của ông bởi những vấn đề sức khỏe và mệt mỏi do xử lý khủng hoảng COVID-19.

Thủ tướng Nhật Bản Abe (phải). Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, sau khi trở về từ bệnh viện ở thủ đô Tokyo hôm 24-8, Thủ tướng Abe giải thích rằng ông muốn làm mọi thứ để duy trì sức khỏe và sẽ nỗ lực hết mình trong vai trò thủ tướng. Nhà lãnh đạo Nhật Bản còn nói đã nhận kết quả kiểm tra sức khỏe được thực hiện một tuần trước đó và làm thêm một số xét nghiệm.
Dù vậy, đợt kiểm tra y tế tuần rồi kéo dài tới 7 tiếng rưỡi đã khiến nhiều người lo lắng về tình trạng sức khỏe của Thủ tướng Abe. Văn phòng thủ tướng không giải thích chi tiết về cuộc kiểm tra đó, nhưng Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato khẳng định đây chỉ là một quy trình bình thường và không cảm thấy lo lắng về tình trạng sức khỏe của nhà lãnh đạo 65 tuổi.
Thủ tướng Abe là người có thời gian cầm quyền lâu nhất Nhật Bản. Năm 2007, ông đã phải từ chức thủ tướng vì bệnh viêm loét đại tràng, nhưng quay lại cương vị này vào tháng 12-2012.
Thế nhưng truyền thông Nhật tháng này đã bắt đầu lên tiếng quan ngại về tình hình sức khỏe của Thủ tướng Abe, thậm chí còn theo dõi tốc độ đi bộ của ông. Tạp chí Flash cho biết lãnh đạo xứ sở hoa anh đào đã nôn ra máu ở phòng làm việc hôm 6-7, song giới hữu trách bác bỏ thông tin này. Gần đây, Akira Amari, quan chức đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, tiết lộ Thủ tướng Abe có thể đã suy nhược vì làm việc liên tục để đối phó với đại dịch COVID-19. Kênh truyền hình Nippon TV thì dẫn các nguồn tin trong đảng này cho rằng ông Abe đang được điều trị một căn bệnh mãn tính, chứ không phải kiểm tra sức khỏe.
Trong bối cảnh COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành ở Nhật Bản, chính quyền của Thủ tướng Abe đang cố gắng duy trì sự cân bằng giữa phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế. Từ cuối tháng 6 năm nay, Chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực khôi phục lại các hoạt động kinh tế - xã hội như dỡ bỏ hạn chế đi lại giữa các tỉnh, nới lỏng các biện pháp hạn chế về số lượng khán giả tham dự các sự kiện thể thao - giải trí hay triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa từ ngày 22-7. Cùng với đó, các quan chức cấp cao trong chính quyền nhiều lần khẳng định sẽ không tái ban bố tình trạng khẩn cấp bởi họ lo ngại nếu thực hiện biện pháp này, nền kinh tế Nhật Bản sẽ lún sâu vào vũng lầy suy thoái, đồng thời ảnh hưởng tới các toan tính chính trị của Thủ tướng Abe, trong đó có sửa đổi hiến pháp trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ ba vào tháng 9-2021.
Những nhân vật có thể kế nhiệm ông Abe
Trước những lo ngại về tình hình sức khỏe của ông Abe, một số nhà phân tích đã tính đến khả năng Thủ tướng Nhật Bản không thể hoàn thành nhiệm kỳ của mình. Nếu ông Abe không thể tiếp tục lèo lái nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso sẽ làm thủ tướng lâm thời. Trong trường hợp Thủ tướng Abe quyết định từ chức, ông này vẫn tại vị cho đến khi chính thức được thay thế bởi một gương mặt mới. Theo đó, LDP sẽ phải bầu một nhà lãnh đạo mới và phải được Quốc hội phê duyệt.
Ngoài ông Aso, danh sách ứng viên còn có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida, Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga, Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi (con trai cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi)…
HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters)
TIN LIÊN QUAN