19/08/2009 - 08:22

Kỷ niệm 64 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2009)

Đổi thay trên đất anh hùng...

Với địa hình là cửa ngõ của TP Cần Thơ, trong chiến tranh, phường An Bình, quận Ninh Kiều, là nơi đứng chân, chỉnh đốn lực lượng của ta trước khi tấn công vào các cơ quan đầu não của địch. Cách nay 64 năm, vào mùa thu tháng Tám năm 1945 lịch sử, An Bình được Tỉnh ủy Cần Thơ (khi ấy) chọn là nơi tập kết lực lượng khởi nghĩa từ các nơi để tiến vào nội ô thành phố giành chính quyền, mở ra trang sử mới: chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi đó đã tạo nên sức mạnh vĩ đại để nhân dân ta, trong đó có những người con của vùng đất kiên trung An Bình, vượt qua mọi gian lao, tiếp tục cống hiến xương máu để chiến đấu giành độc lập, tự do đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Thời bình, nhân dân An Bình vẫn giữ vững và phát huy tinh thần quật khởi ấy trong công cuộc xây dựng quê hương không ngừng phát triển…

Cán bộ phường An Bình thăm hỏi Mẹ VNAH Phan Thị Nở.
 Ảnh: HOÀNG THANH 

Trụ sở UBND phường An Bình nằm ven Quốc lộ 1A, cách công trình xây dựng cầu Đầu Sấu chưa đầy 100m, mới 7 giờ sáng đã nhộn nhịp bởi những người dân đến UBND phường để liên hệ công việc. Tại đây, chúng tôi gặp Mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Nở. Ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng Mẹ vẫn rất khỏe mạnh, tinh anh. Nhà ở khu vực 1, nhưng Mẹ thường xuyên lội bộ hơn một cây số đến UBND phường để thăm hỏi, động viên các anh em, nắm tình hình và tham gia các hoạt đông của Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh phường... mà Mẹ là hội viên. Tham gia cách mạng từ trước năm 1945 và trở thành “con dâu” của An Bình, nhưng mãi đến năm 1967, theo sự điều động của tổ chức, Mẹ Nở mới về công tác và gắn bó với An Bình đến nay. Nghe tôi hỏi về sự đổi thay của vùng đất anh hùng này, Mẹ Nở bộc bạch: “Hồi trước giải phóng, bà con ở đây một lòng theo Đảng làm cách mạng, sau giải phóng cuộc sống rất khó khăn. Nhờ Đảng, chính quyền nỗ lực chăm lo mà giờ đây địa phương đã phát triển vượt bậc, đời sống bà con giờ khá lên ngó thấy”...

Lời bộc bạch của Mẹ VNAH Phan Thị Nở gợi nhớ trong tôi về tinh thần quật khởi của nhân dân An Bình. Theo sử sách ghi lại, từ sau năm 1920, phong trào đấu tranh chống cường hào ở An Bình đã sôi sục. Mùa Thu tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân lao động Cần Thơ đã vùng lên, thành lập lực lượng khởi nghĩa, giành chính quyền. An Bình được chọn là nơi tập kết lực lượng. Rạng sáng 26-8-1945, khi trung tâm chỉ huy khởi nghĩa (đặt tại ấp Lợi Nguyên) báo lệnh đến giờ khởi nghĩa, cả rừng người hừng hực khí thế tiến vào thị xã giành chính quyền bằng sức mạnh vũ bão của gươm, giáo, gậy gộc và sức mạnh ý chí, khiến kẻ thù khiếp sợ. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, An Bình là nơi hoạt đông xen kẽ giữa ta và địch, địa bàn trọng yếu để địch bảo vệ các cơ quan đầu não, đồng thời cũng là nơi đứng chân của lực lượng ta để tấn công vào nội ô trong những trận đánh lớn. Địch tập trung rất nhiều đơn vị chủ lực, trang bị vũ khí tối tân chiếm đóng, dùng các thủ đoạn chiến tranh tâm lý, đàn áp quần chúng, tiến công tiêu diệt cán bộ cách mạng. Trong hoàn cảnh ấy, người dân An Bình vẫn hết lòng bảo vệ cách mạng, dù phải chịu biết bao gian nguy, hy sinh rất nhiều xương máu, của cải. Chỉ tính riêng trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, bình quân mỗi người dân An Bình đã phải hứng chịu trên 4 quả bom, pháo. Trải qua hai cuộc kháng chiến, hàng trăm người con An Bình đã hy sinh, nhiều người dân bị giặc sát hại, tù đày vì nuôi chứa Cách mạng...

Với những thành tích ấy, ngay từ năm 1978, An Bình đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Dấu vết chiến tranh cũng đã để lại cho vùng đất này những hậu quả nặng nề. Chú Huỳnh Văn Khuynh, một người cố cựu trên địa bàn, cũng là Bí thư Chi bộ An Bình năm 1981, nhớ lại: “15 năm sau ngày giải phóng, năm 1990, An Bình còn đến 37,9% hộ nghèo, 60% người dân sống trong những căn nhà tre, lá tạm bợ, trình độ dân trí thấp. Hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ cũng còn yếu kém”.

Thế nhưng dưới dự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân An Bình đã quyết tâm, nỗ lực vượt qua đói nghèo. Năm 1998, An Bình vinh dự được Chủ tịch nước gửi thư khen vì có thành tích trong diệt 3 loại giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Giờ đây, An Bình là một trong những phường thuộc quận Ninh Kiều, quận trung tâm của TP Cần Thơ, kinh tế xã hội trên địa bàn đã có sự phát triển vượt bậc. Theo đồng chí Lê Văn Đầy, Chủ tịch UBND phường An Bình, sự thay đổi rõ nhất là trong 5 năm gần đây. Cùng với việc được “nâng” từ xã lên phường, An Bình cũng được thành phố quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Bên cạnh các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng do ngân sách đầu tư, người dân đã góp tiền và hiến đất, hoa màu trị giá nhiều tỉ đồng để xây dựng các tuyến đường giao thông. Đến nay, các tuyến chính trong phường đều đã được trải nhựa, những tuyến hẻm nhỏ, bà con cũng tự nguyện góp tiền bê tông hóa. Từ một xã chuyên canh tác nông nghiệp của TP Cần Thơ (cũ), An Bình đã từng bước chuyển mình thành một phường đô thị nhộn nhịp, với cơ cấu tiểu thủ công nghiệp - thương mại, dịch vụ và du lịch là trong tâm. Hiện tại, toàn phường có gần 200 cơ sở sản xuất, tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động. Số lượng cơ sở thương mại dịch vụ trên 150 và đang phát triển thêm từng ngày. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng chọn An Bình để gửi niềm tin, 16 dự án kinh tế – xã hội đã và đang thi công, góp phần làm địa phương có sự đổi thay nhanh chóng. Đời sống bà con trong phường cũng từng bước khấm khá hơn. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn cũng liên tục gia tăng, toàn phường chỉ còn 92 hộ nghèo (theo tiêu chí mới)... Đồng chí Lê Văn Đầy cho biết: “Năm 2008, phường An Bình thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế xã hội. Riêng nhân dân đã đóng góp gần 200 triệu đồng và hàng trăm ngày công để xây dựng đường giao thông. Đảng bộ phường từ năm 1992 đến nay hàng năm đều đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”. Danh hiệu Phường Văn hóa được công nhận từ năm 1997, đến giờ vẫn giữ vững”...

20.000 quần chúng biểu tình vũ trang giành chính quyền năm 1945, tại dinh Xã Tây Cần Thơ.
Nguồn: Địa chí Cần Thơ 

Song song với việc phát triển kinh tế, hệ thống chính trị của phường An Bình cũng có nhiều chuyển biến. Đảng bộ phường hiện có 158 đảng viên, đội ngũ cán bộ được cấp trên và nhân dân đánh giá là ngày càng “giỏi nghề, thạo việc”. Điều đáng nói là nếu như trong chiến tranh, các đảng viên, chiến sĩ ở An Bình luôn giữ phương châm “sống vì dân mà chết cũng vì dân”, thì trong thời bình, các cán bộ, đảng viên An Bình vẫn xác định việc “lấy dân làm gốc” là nền tảng. Từ năm 2004, phường đã tiên phong thực hiện hình thức “Sinh hoạt chính trị ra dân”. Theo đó, định kỳ 2 lần/ năm, phường tổ chức họp, báo cáo tình hình kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn, các nhiệm vụ cần tập trung thời gian tới, phát động các phong trào thi đua... đến dân. Đồng thời lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân, qua đó kịp thời điều chỉnh các chủ trương, kế hoạch của địa phương phù hợp thực tế. Chú Võ Văn Dùng, ở khu vực 2, phường An Bình, kể: “Trước đây, phường có kế hoạch xây dựng Nhà thông tin khu vực 2 trên phần đất nghĩa trang Ngã Cạy. Trong quá trình sinh hoạt ra dân, bà con góp ý nếu xây dựng ở nơi này thì không thuận tiện cho người dân liên hệ công tác. Sau khi xem xét ý kiến của người dân, thấy hợp lý nên phường đã dời vị trí xây dựng nhà thông tin đến vị trí khác thuận lợi hơn”. Theo đồng chí Trương Hoàng Oanh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phường An Bình, cũng chính nhờ phát huy dân chủ, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người dân mà nhiều khó khăn trên địa bàn đã được giải quyết nhanh chóng. Điển hình như trước đây, việc vận động nhân dân xây dựng hẻm 5, ở khu vực 1, gặp khó do một số hộ không đồng tình. Phường, khu vực đã họp dân nhiều lần, nghe người dân trình bày những khó khăn, vướng mắc để cùng thảo luận hướng giải quyết. Nhờ vậy, công trình đã được 100% người dân đồng tình, hoàn thành vào đầu năm 2009, với kinh phí 120 triệu đồng.

Không chỉ dốc sức xây dựng quê hương, trên mảnh đất bà con một lòng cưu mang các chiến sĩ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến này, truyền thống tương thân, tương ái bao năm qua vẫn được người dân nuôi dưỡng, phát huy. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, nhân dân đã đóng góp gần 100 triệu đồng để thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách nhân dịp lễ Tết; giúp đỡ các gia đình nghèo, các trường hợp khó khăn đột xuất... Trên địa bàn có 13 hộ neo đơn, hoàn cảnh khó khăn, nhiều năm nay bà con đã đóng góp để trợ giúp gạo thường xuyên. Năm 2007, thấy hoàn cảnh bà Ngô Thị Be ở tổ 7, khu vực 2 khó khăn, các cán bộ phường An Bình và bà con đã đóng góp 12 triệu đồng để xây dựng cho bà căn nhà tình thương. Các cán bộ khu vực còn làm hồ sơ để bà được nhận tiền bảo trợ 120.000 đồng/ tháng nhằm trang trải cuộc sống...

Chúng tôi cùng các đồng chí lãnh đạo phường đến thăm gia đình bà Trương Huỳnh Tần, ở khu vực 2. Bà Hai Tần là con gái lớn của ông Trương Văn Khoát, thủ lĩnh lực lượng Thanh niên Tiền phong xã An Bình tham gia giành chính quyền năm 1945. Khi Pháp quay lại chiếm nước ta lần thứ 2, năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ông Trương Văn Khoát đã hiến phần lớn đất của gia đình để chia cho người nghèo và đưa cả gia đình vào chiến khu tham gia kháng chiến. Không chỉ 10 người con của ông mà các dâu, rể, cháu... đều là chiến sĩ cách mạng, có người đã hy sinh... Trong buổi trò chuyện, bà Hai Tần nói với tôi phần đất gia tộc còn lại của gia đình bà đang nằm trong diện quy hoạch xây dựng khu dân cư, đô thị An Bình. Khi tôi nói, phải rời xa mảnh đất đã nhiều đời gắn bó chắc bà buồn lắm, bà Hai Tần im lặng hồi lâu, rồi nói nhẹ nhàng: “Chắc là buồn, nhưng đời ông, cha tôi cũng đã hy sinh nhiều vì quê hương, đất nước. Bây giờ, nếu phải chịu mất mát chút ít, nhưng vì sự phát triển chung của địa phương thì tôi sẵn sàng”.

Với truyền thống anh dũng, quật cường và với những con người nhân hậu, kiên trung, hết lòng vì quê hương như gia đình bà Hai Tần, tin tưởng rằng An Bình sẽ còn vươn tới những tầm cao mới...

HOÀNG THANH

Chia sẻ bài viết