20/05/2019 - 10:38

Diều hâu thắng thế?

Mỹ hiện đang đối đầu với 3 quốc gia gồm Iran, Triều Tiên và Venezuela mà chỉ cần một tính toán sai lầm là có thể dẫn tới chiến tranh. Giữa những căng thẳng đó, cái tên được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, nhân vật được xem hiếu chiến nhất Nhà Trắng hiện nay.

Washington gần đây đưa nhóm tác chiến tàu sân bay và oanh tạc cơ B-52 tới Vùng Vịnh để răn đe Iran, đồng thời rút bớt nhân viên ngoại giao khỏi Iraq như thể chuẩn bị cho một cuộc chiến sắp xảy ra. Những động thái trên đều có tác động từ nhân vật 70 tuổi nổi tiếng chống Tehran. Trước khi được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia tháng 4-2018, John Bolton từng lên tiếng kêu gọi thay đổi chế độ ở Tehran, ném bom để ngăn tham vọng hạt nhân của nước này. Báo chí Mỹ nhận định trong vấn đề Iran, ông Bolton tỏ ra hiếu chiến hơn nhiều so với chủ nhân Nhà Trắng. Cố vấn Bolton được cho là đã triệu tập cuộc họp bất thường về Iran hôm 29-4 nhưng tại trụ sở Cục Tình báo Trung ương chứ không phải Nhà Trắng, điều gợi nhớ hành động tương tự của Phó Tổng thống Dick Cheney trước khi Mỹ tấn công Iraq năm 2003 (ông Bolton, khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc gia, ủng hộ mạnh mẽ cuộc xâm lược này). Do vậy, vai trò của ông trong căng thẳng Mỹ-Iran hiện nay có thể đúc kết qua nhận định của Trita Parsi, người sáng lập NIAC- tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho cộng đồng người Mỹ gốc Iran- rằng: “Cuộc xung đột này hiện hữu chỉ vì John Bolton muốn nó”.

Trong cuộc đàm phán nhiều thăng trầm giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng có dấu ấn của ông Bolton. Cách tiếp cận “tất cả hoặc không gì cả” mà John Bolton đề xuất trong vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng đã khiến thượng đỉnh Trump-Kim lần hai hồi tháng 2-2019 thất bại, theo tờ The Guardian. Kết quả là một năm ngoại giao sôi động dừng lại và Bình Nhưỡng tiếp tục mang tên lửa ra thử. Cần nhắc lại là hai tháng trước khi ngồi vào ghế cố vấn, ông Bolton từng kêu gọi tấn công phủ đầu Triều Tiên.

Quan hệ căng thẳng Mỹ-Venezuela cũng có bóng dáng của Cố vấn Bolton. Ông này được cho đứng sau cuộc đảo chính bất thành hồi cuối tháng 4 ở Caracas. John Bolton thậm chí còn làm một video kêu gọi các nhân vật thân cận với Tổng thống Nicolas Maduro “đào ngũ”, quay sang ủng hộ “tổng thống lâm thời” tự xưng Juan Guaido. Ông cũng chính là người đề xuất chuyển nguồn thu dầu mỏ của chính quyền Maduro sang thủ lĩnh đối lập Guaido.

John Bolton còn chủ trương cứng rắn với Trung Quốc và ủng hộ thắt chặt quan hệ với Đài Loan. Thế nên khi Tổng thống Trump thông báo việc bổ nhiệm ông này vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia, cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Abraham Denmark (dưới thời Tổng thống Barack Obama) lập tức cảnh báo: “Chúng ta sẽ thấy một cách tiếp cận đối đầu hơn nữa với Trung Quốc. Chiến tranh thương mại có thể chỉ là bắt đầu cho một cuộc cạnh tranh địa chính trị rộng lớn hơn”. Thật vậy, tháng 7-2018, Mỹ bắt đầu đánh thuế 25% lên lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 34 tỉ USD và tăng dần tới 250 tỉ USD hiện nay, đồng thời dọa sẽ áp mức thuế này lên toàn bộ khoảng 300 tỉ USD hàng nhập khẩu còn lại từ Bắc Kinh.

Trước thông tin gần đây cho rằng Tổng thống không còn tin tưởng vào Cố vấn Bolton vì quan điểm quá “diều hâu”, nhất là trong vấn đề Iran, ông Trump vừa lên tiếng giải thích: “Ông ấy có quan điểm cứng rắn trong mọi vấn đề nhưng không sao cả. Tôi là người kiềm chế bản năng hiếu chiến của ông ấy. Tôi có các bên khác nhau. Tôi có John Bolton và những người khác ôn hòa hơn. Tôi thích John”. Tuy nói vậy nhưng ngoài Cố vấn Bolton, sát cánh bên ông Trump còn có một nhân vật cứng rắn khác là Ngoại trưởng Mike Pompeo, người mà Triều Tiên từng yêu cầu loại khỏi bàn đàm phán.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết