21/09/2015 - 15:47

Điều bình dị của “Du ca Việt”

Họ là những nông dân, người buôn gánh bán bưng, những đứa trẻ vùng cao… đứng trên sân khấu "Du ca Việt" hát bằng đam mê. Tiếng hát của họ không hoàn hảo nhưng sự chân chất, mộc mạc đã mang đến cho chương trình những khoảnh khắc đáng trân trọng. Đó là cảm nhận của nhiều người khi xem "Du ca Việt", phát lúc 10 giờ 30 phút thứ bảy cách tuần trên kênh VTV1.

"Du ca Việt" là chương trình truyền hình thực tế ghi lại hành trình du ca dọc miền đất nước, biểu diễn văn nghệ trực tiếp phục vụ đồng bào. Đồng hành cùng chương trình, không chỉ có những nghệ sĩ như Tùng Dương, Đan Trường… mà còn có cả những bác nông dân, chị bán ve chai lần đầu tiên đứng trên sân khấu. Họ là nhân vật chính trong mỗi tập phát sóng. "Đây được coi là cuộc hành trình tìm kiếm, phát hiện những giọng ca hiếm có, những khát vọng bất ngờ, ẩn sau những cuộc đời bình dị hoặc những số phận đặc biệt" – nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Giám đốc âm nhạc chương trình, cho biết.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn đàn cho Sùng A Lự và Sùng Viện Huệ - hai đứa trẻ vùng cao – hát trong tập "Hai chú chim non". Ảnh: vtv.vn

Trong tập đầu tiên, "Du ca Việt" khiến người xem xúc động với chuyện tình và tình yêu âm nhạc của chị Đinh Thị Bông và anh Quốc Trung - vợ chồng người dân tộc Tày, bị khiếm thị, hằng ngày hát rong ở chợ Na Rì (Bắc Kạn). Chị Bông kể, thuở nhỏ đi chăn trâu hay mở radio nghe và mê giọng hát của ca sĩ Việt Hoàn, luôn mong một lần hát chung với anh. "Du ca Việt" đã giúp chị toại nguyện với một tiết mục song ca đầy cảm xúc. Hay trong tập phát sóng giữa tháng 8 vừa qua, khán giả ấn tượng với câu chuyện của Sùng A Lự, cậu bé người H’Mông từng nhiều năm phải sống với cha trong hang đá ở một vùng núi của Cao Bằng. Cậu bé người nhỏ nhắn, đen nhẻm đã hát bài "Đi học" bằng chất giọng trong trẻo, vút cao. Mỗi nhân vật trong chương trình đem đến một câu chuyện đời thường mà kiên cường: Kiên - chàng trai đối diện với căn bệnh ung thư vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê Ví dặm. Chương trình còn ghi dấu ấn bằng hình ảnh đẹp của những bác nông dân tay cày tay cuốc đàn vĩ cầm ở làng Then, Bắc Giang; hay cảnh hơn 200 nhà sư ở Ninh Bình hợp xướng…

Có thể nói, từ những điều bình dị trong cuộc sống, "Du ca Việt" đem đến cho người xem nhiều suy ngẫm về nhân sinh, về những điều nhân ái, những khát khao sống đẹp. Giữa làng giải trí Việt nhiều ồn ào, chiêu trò, "Du ca Việt" là chương trình "ghi điểm" với khán giả bằng sự mộc mạc đáng quý và những giá trị cao đẹp của âm nhạc đối với đời sống của những người bình thường nhất. Với những nhân vật có số phận, cuộc đời đặc biệt, chương trình không "câu" khán giả bằng cách khai thác hoàn cảnh của họ để lấy nước mắt người xem, mà chỉ kể lại những câu chuyện một cách bình dị như vốn có và chuyển tải thông điệp: "Âm nhạc không của riêng ai!".

Góp phần thành công cho "Du ca Việt" là nhạc sĩ Lê Minh Sơn, người đi dọc miền đất nước tìm nhân vật trải nghiệm, và dẫn chuyện trong mỗi tập phát sóng. Không màu mè, hoa mỹ, Lê Minh Sơn hòa cùng nhịp sống người dân, cùng đàn cho họ hát, cùng nhảy múa… khiến từng thước phim càng thêm sống động.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết