20/02/2010 - 10:18

Đảo chính tại Niger

Sự nghiệp chính trị của Tổng thống Mamadou Tandja đã chấm hết? Ảnh: Reuters

Niger, quốc gia Tây Phi giàu quặng uranium, vừa xảy ra đảo chính quân sự khi một nhóm quân nhân tấn công dinh tổng thống bắt sống ông Mamadou Tandja và nhiều vị bộ trưởng khác đang ngồi họp chiều 18-2. Thông tin ban đầu cho biết ít nhất 3 binh sĩ thiệt mạng và 10 binh sĩ khác bị thương trong các cuộc giao tranh.

Hiện chưa rõ ai chủ mưu và cầm đầu cuộc đảo chính. Tuy nhiên, qua hình ảnh phát trên kênh truyền hình quốc gia tối cùng ngày, hãng AFP nhận thấy có sự xuất hiện của Dijibrilla Hima Hamidou, thường gọi là “Pelé”, tư lệnh quân khu số một vốn là vùng quân sự quan trọng nhất tại Niger. Trong thông điệp đầu tiên, người phát ngôn nhóm đảo chính - Đại tá Abdul Karim Goukoye Karimou - cho biết họ là “Hội đồng Tối cao khôi phục dân chủ” (CSRD), đồng thời tuyên bố các lực lượng an ninh và quốc phòng của nhóm này đã quyết định đình chỉ vô thời hạn hiến pháp mới và giải tán tất cả thể chế hiện hành nhằm làm giảm bầu không khí chính trị căng thẳng hiện nay. Đại tá Karimou còn nhấn mạnh CSRD mong muốn Niger là quốc gia “hình mẫu về dân chủ và quản lý”, chấm dứt thời kỳ “mị dân” và “tham nhũng” của chính quyền Tandja.

Được biết, Tổng thống Tandja, 71 tuổi, lên nắm quyền Niger từ năm 1999 trong cuộc bầu cử dân chủ đánh dấu sự kết thúc giai đoạn đảo chính và nổi dậy. Năm 2004, ông tái đắc cử nhiệm kỳ 5 năm lần hai và cũng là lần cuối cùng theo quy định của Hiến pháp. Thế nhưng, đầu năm ngoái, ông Tandja có ý định tổ chức trưng cầu dân ý để “xin phép” cử tri được tại vị thêm một nhiệm kỳ nữa nhằm “hoàn tất các dự án đầu tư lớn”. Tuy vậy, Tòa án Hiến pháp Niger bác bỏ, khiến ông Tandja tức giận ra sắc lệnh giải tán quốc hội và Tòa án Hiến pháp hồi tháng 5. Hành động này bị nhiều nước chỉ trích và áp đặt lệnh trừng phạt hoãn cung cấp viện trợ phi nhân đạo. Không dừng lại đó, tháng 8-2009, ông vẫn tiến hành trưng cầu dân ý thông qua dự thảo hiến pháp mới gây tranh cãi, trong đó cho phép ông được tiếp tục lãnh đạo đất nước với nhiều quyền lực lớn hơn đến năm 2012 (thay vì mãn nhiệm vào tháng 12-2009) và hủy bỏ hạn định nhiệm kỳ tổng thống. Tháng 10-2009, cuộc tổng tuyển cử bị phe đối lập tẩy chay đã giúp Phong trào quốc gia vì Xã hội Phát triển của ông giành thắng lợi tuyệt đối trước sự phê phán của cộng đồng quốc tế.

Dư luận cho rằng cuộc đảo chính là một kết thúc được báo trước của Tổng thống Tandja. Ngay cả người phát ngôn của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) Adrienn Diop cũng nhận xét vụ đảo chính xảy ra “không có gì bất ngờ, bởi nước này đã trải qua khủng hoảng chính trị từ 6-7 tháng trước”. Về mặt hình thức, tổ chức 15 quốc gia thành viên này (đã đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Tổng thống Tandja và phe đối lập từ nhiều tháng trước đây) lên tiếng phản đối bất kỳ hành động tiếm quyền nào và hy vọng các bên liên quan sẽ có cách giải quyết hòa bình thông qua đối thoại. Bộ Ngoại giao Mỹ, nhà tài trợ nhân đạo lớn nhất của Niger, cho biết Washington muốn nước này “hướng tới một cuộc bầu cử thành lập chính quyền mới”.

Theo các nhà phân tích, chính trường của một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi có nguy cơ rơi vào tình trạng chính quyền quân sự kéo dài khi cùng lúc phải đối mặt với cuộc chiến chống quân nổi dậy người Tuareg ở phía Bắc. Nhưng chắc chắn đây là cơ hội để phương Tây nhảy vào can thiệp vì Niger có trữ lượng uranium chiếm 8% thế giới và sản xuất uranium đứng thứ 3 toàn cầu. Ngoài tập đoàn xây dựng nhà máy hạt nhân Areva của Pháp đã khai thác uranium tại Niger từ nhiều thập niên qua và đang đầu tư gần 1,8 tỉ USD vào dự án mới, Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Trung Quốc từng khiến phương Tây “ganh tị” vì hợp đồng khai thác dầu mỏ trị giá 5 tỉ USD năm 2008.

KIẾN HÒA (Theo AFP, Reuters, WSJ)

Sự nghiệp chính trị của Tổng thống Mamadou Tandja đã chấm hết? Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết