HOÀNG NAM (Tổng hợp)
Chính phủ Anh mới đây tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine đạn xuyên giáp chứa “uranium nghèo” - sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium cần thiết để chế tạo vũ khí hoặc nhiên liệu hạt nhân - được trang bị trên xe tăng hạng nặng Challenger 2 Luân Đôn sắp chuyển giao cho Kiev nhằm tiêu diệt hiệu quả các xe tăng của Nga trên chiến trường. Loại đạn dược này từng được sử dụng từ nhiều thập niên qua nhưng đến nay nó vẫn gây tranh cãi.

Binh sĩ Mỹ bên lô đạn uranium nghèo được đưa đến chiến trường Iraq hồi năm 2004. Ảnh: EPA
Động thái trên của Anh được cho có sự ủng hộ của Mỹ, đồng thời mở đường để Washington cung cấp xe tăng Abrams M-1 mang đạn uranium nghèo cho Ukraine.
Nga dọa “ăn miếng trả miếng”
“Chúng tôi sẽ cung cấp đạn dược bao gồm đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo. Những loại đạn như vậy có hiệu quả cao trong việc đánh bại xe tăng và xe bọc thép hiện đại” - Bộ trưởng Quốc phòng Anh Annabel Goldie hôm 20-3 khẳng định.
Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Mát-xcơ-va sẽ “ăn miếng trả miếng” nếu phương Tây bắt đầu sử dụng vũ khí có “thành phần hạt nhân”. “Tôi muốn lưu ý rằng nếu điều này xảy ra thì Nga sẽ buộc phải có phản hồi tương ứng, trên cơ sở rằng phương Tây, một cách tập thể, đã bắt đầu sử dụng vũ khí có thành phần hạt nhân” - Tổng thống Putin nói cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 21-3. Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Luân Đôn “đã mất phương hướng” khi cung cấp đạn chứa “uranium nghèo” cho Ukraine, đồng thời cảnh báo loại vũ khí này là “một bước leo thang căng thẳng”.
Theo Edward Geist, chuyên gia về an ninh hạt nhân tại tổ chức nghiên cứu RAND (Mỹ), những viên đạn chứa uranium nghèo giữ lại một số đặc tính phóng xạ nhưng chúng không thể tạo ra phản ứng hạt nhân như vũ khí hạt nhân. Tương tự, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho hay loại đạn này ngoài việc giúp tăng cường khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ trên xe tăng thì nó “không phóng xạ” và không nằm trong phạm vi vũ khí hạt nhân.
Song, vì sao Nga lại phản ứng như vậy. Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium được sử dụng để sản xuất nhiên liệu hoặc vũ khí hạt nhân. Dù không uy lực bằng uranium được làm giàu và không có khả năng tạo ra phản ứng hạt nhân nhưng uranium cạn kiệt cực kỳ đậm đặc, có độ phóng xạ khoảng 60% so với uranium tự nhiên. “Nó đặc và có động lượng đến mức có thể xuyên qua lớp áo giáp và nó nóng đến mức có thể bốc cháy” - ông Geist cho hay. Scott Boston, chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND, cho rằng khi khai hỏa, đạn uranium nghèo trở thành “một mũi tên kim loại được bắn với tốc độ cực cao”.
Tranh cãi về tính thảm họa
Vào những năm 1970, Lục quân Mỹ bắt đầu chế tạo đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo và từ đó sử dụng trong áo giáp xe tăng. Đơn vị này cũng đã thêm uranium nghèo vào các loại đạn được bắn bởi máy bay tấn công mặt đất A-10 Warthog, vốn được Washington chuộng dùng trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Theo tờ Al Jazeera, đạn uranium nghèo đã được sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 để chống lại xe tăng T-72 của Iraq. Mỹ được coi là “nhà vô địch hạng nặng” trong việc sử dụng đạn uranium nghèo tại Iraq, Syria, Afghanistan, Bosnia và Kosovo.
Ước tính cho thấy Mỹ khi đó đã bắn tổng cộng 782.414 viên đạn uranium nghèo trong cuộc chiến ở Iraq năm 1991. Năm 2003, hơn 300.000 viên đạn uranium nghèo được dùng khi tấn công Iraq, chủ yếu do lính Mỹ sử dụng. Một ước tính khác cho thấy khoảng 340 tấn uranium nghèo được dùng để sản xuất đạn dược trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và khoảng 11 tấn được dùng trong cuộc chiến tranh Balkan vào cuối những năm 1990. Các cựu chiến binh Mỹ trong những cuộc xung đột đó đã đặt ra câu hỏi liệu việc sử dụng loại đạn này có phải đã khiến họ mắc phải những căn bệnh hiện tại hay không.
Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) mô tả loại đạn nói trên là “kim loại nặng, độc hại về mặt hóa học và phóng xạ”. Dù đạn uranium nghèo không được coi là vũ khí hạt nhân nhưng mức độ phóng xạ thấp của chúng đã khiến UNEP khuyến cáo nên thận trọng khi xử lý và đưa ra cảnh báo về những nguy cơ có thể xảy ra khi phơi nhiễm. Do đó, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) yêu cầu “nên mặc quần áo bảo hộ” khi xử lý các loại đạn như vậy. IAEA lưu ý rằng uranium nghèo là một hóa chất độc hại, có thể xâm nhập vào máu và gây tổn thương thận. “Nồng độ cao uranium nghèo trong thận có thể gây ra tổn thương thận và thậm chí có thể gây suy thận” - IAEA cảnh báo.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin nói rằng các loại đạn chứa uranium nghèo có thể dẫn đến “một thảm kịch trên quy mô toàn cầu vốn sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến các nước châu Âu”. Ông Volodin cho rằng việc Mỹ sử dụng đạn uranium nghèo ở Nam Tư cũ và Iraq đã gây ra tình trạng ô nhiễm phóng xạ và làm gia tăng các bệnh ung thư.
Tổ chức chống hạt nhân CND cũng đã lên án quyết định gửi đạn uranium nghèo tới Ukraine của Anh, gọi đây là “thảm họa môi trường và sức khỏe cho những người sống trong xung đột”, bởi bụi độc hại và phóng xạ có thể được giải phóng khi chúng được bắn ra. “CND đã nhiều lần kêu gọi Chính phủ Anh đưa ra lệnh cấm ngay lập tức việc sử dụng vũ khí uranium nghèo và tài trợ cho các nghiên cứu dài hạn về tác động môi trường và sức khỏe của chúng” - Tổng thư ký CND Kate Hudson cho biết.
Một số chuyên gia về luật quốc tế đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của việc tiếp tục sử dụng vũ khí uranium nghèo, nhấn mạnh rằng các tác động có thể vi phạm nguyên tắc phân biệt (giữa dân thường và quân nhân). Một số quốc gia và Liên minh Quốc tế Cấm vũ khí uranium (gồm hơn 155 tổ chức phi chính phủ) đã yêu cầu cấm sản xuất và sử dụng vũ khí uranium. Nghị viện châu Âu đã nhiều lần thông qua nghị quyết yêu cầu một lệnh cấm ngay lập tức về việc sử dụng đạn dược uranium, nhưng Pháp và Anh - hai nước EU duy nhất là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) - đã liên tục phản đối, với cớ lý do rủi ro sức khỏe là vô căn cứ. Mỹ đã nhiều lần bỏ phiếu chống các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về việc cấm sản xuất loại vũ khí này.