21/02/2012 - 08:58

Cuộc đối đầu giữa Iran và phương Tây

Đàm phán hạt nhân trong căng thẳng

Iran ngừng xuất khẩu dầu sang Anh và Pháp trước thềm diễn ra cuộc đàm phán hạt nhân. Ảnh: The Nation

Trước đe dọa tấn công bằng quân sự từ Israel, Tehran đang tăng cường phô diễn sức mạnh quân sự và tầm ảnh hưởng trong khi vẫn bày tỏ thiện ý nối lại các vòng đàm phán về chương trình hạt nhân của mình. Hôm 19-2, phái đoàn thanh sát viên cấp cao của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã đến Tehran bắt đầu vòng đàm phán 2 ngày giữa lúc căng thẳng giữa Iran và phương Tây ngày càng leo thang.

Iran ngừng xuất khẩu dầu cho Anh, Pháp

Hôm 19-2, trước thềm đàm phán, Tehran ra lệnh ngừng xuất khẩu dầu sang Anh và Pháp. Động thái này vừa nhằm trả đũa việc Liên minh châu Âu (EU) siết chặt cấm vận đối với Iran, vừa chứng tỏ dầu khí có thể là một thứ vũ khí lợi hại của Iran trong cuộc đối đầu với phương Tây. Tháng trước, EU quyết định tẩy chay dầu lửa Iran từ ngày 1-7 tới. Lệnh trừng phạt này khiến Tehran phẫn nộ và quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 5 thế giới đáp trả bằng việc đe dọa đóng cửa Eo biển Hormuz, cửa ngõ huyết mạch trong tuyến đường biển vận chuyển dầu tại Vùng Vịnh. “Việc xuất khẩu dầu thô sang các công ty Anh và Pháp vừa bị ngừng lại. Chúng tôi sẽ bán dầu cho các khách hàng mới”, người phát ngôn của Bộ Dầu mỏ Iran thông báo. Quyết định ngừng bán dầu cho hai thành viên của EU được xem là thông điệp biểu tượng sức mạnh chi phối của Tehran vì không quốc gia châu Âu nào không phụ thuộc vào nguồn dầu thô nhập khẩu từ Iran.

Trong khi đó, đoàn thanh sát viên 5 người của IAEA đến Iran trong nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng gia tăng xung quanh các hoạt động hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Theo kế hoạch, phái đoàn IAEA sẽ thảo luận với các quan chức nước chủ nhà về một số vấn đề còn tồn đọng từ chuyến thăm cuối tháng trước, đồng thời đặt nền móng cho việc nối lại các cuộc đàm phán giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm Đức và 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc) sau hơn một năm ngưng trệ.

Trưởng nhóm thanh sát viên IAEA Herman Nackaerts bày tỏ hy vọng sẽ đạt được một số “kết quả cụ thể” từ chuyến thăm, mặc dù ông thừa nhận cần phải có thêm thời gian vì đây là một vấn đề phức tạp.

Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc “giải vây” cấm vận cho Iran?

Báo Telegraph hôm 19-2 dẫn lời các quan chức an ninh phương Tây cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đang giúp Iran thoát khỏi ảnh hưởng của những biện pháp cấm vận do Mỹ và đồng minh phương Tây áp đặt. Theo tờ báo này, để có thể tránh tác động của lệnh cấm vận, Ngân hàng Trung ương Iran đang sử dụng hàng loạt các cơ quan tài chính ở Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian mua sắm các mặt hàng thiết yếu, giúp nền kinh tế hoạt động bình thường.

Trung Quốc, đối tác mua bán dầu lớn nhất của Iran, được cho là đóng vai trò trọng yếu trong việc “tiếp sức” cho Tehran giảm sức ép của các biện pháp trừng phạt. Thay vì chuyển các khoản thanh toán từ giao dịch dầu lửa sang Iran, các ngân hàng Trung Quốc sử dụng số tiền này để mua hàng hóa theo yêu cầu của Iran rồi chuyển chúng về quốc gia Vùng Vịnh này. “Giống như cơ chế trao đổi hàng hóa, tiền Iran kiếm được từ xuất khẩu dầu được chuyển vào các ngân hàng Trung Quốc, sau đó được dùng để mua hàng hóa và vật liệu thiết yếu cho Iran. Đây là cách rất tốt để “né” lệnh cấm vận”, một quan chức an ninh cấp cao giải thích. Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Iran, trong khi Ankara có quan hệ thương mại thân thiết với châu Âu. Giới điều tra phương Tây cho biết họ có bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn mua lại các cơ quan tài chính tại châu Âu giúp Iran. Tehran có thể dùng các cơ quan tài chính này để mua sắm các mặt hàng cần thiết.

Mỹ, Anh khuyến cáo Israel không tấn công Iran

Hôm 19-2, Mỹ và Anh cùng lên tiếng đề nghị Israel không tấn công Iran trong thời điểm này. Động thái ấy cho thấy quốc tế ngày càng lo lắng khi Tel Aviv trong tư thế sẵn sàng không kích các cơ sở hạt nhân của Tehran.

Trong cảnh báo của mình, Tổng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey và Ngoại trưởng Anh William Hague đều cho rằng việc Israel tấn công Iran sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho toàn khu vực và yêu cầu Tel Aviv “bình tĩnh”, chờ đợi xem các lệnh cấm vận của quốc tế phát huy hiệu quả. Tướng Dempsey và Ngoại trưởng Hague đều cho rằng nếu Israel tấn công Iran vào lúc này sẽ là quyết định “không sáng suốt”.

Trong khi đó có tin, các đơn vị lục quân thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 19-2 đã bắt đầu cuộc tập trận mới ở miền Trung nước này. Đây là cuộc tập trận thứ ba của lục quân Iran trong tháng này. Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran dẫn lời Tư lệnh Lục quân IRGC Mohammad Pakpour cho biết cuộc tập trận kéo dài 2 ngày tại khu vực sa mạc và tỉnh Yazd nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, thực hành các chiến thuật phòng thủ hiện đại và thử nghiệm các khí tài quân sự tiên tiến do Iran tự thiết kế và chế tạo. Ngoài ra, cuộc tập trận cũng nhằm phô diễn sức mạnh của lục quân Iran trong việc đương đầu với những đe dọa tiềm tàng từ “kẻ thù ngoài khu vực”.

THUẬN HẢI
(Theo Reuters, Telegraph, AP)

Chia sẻ bài viết