28/08/2022 - 15:01

Đài Loan trong nền kinh tế Trung Quốc 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Mặc dù Trung Quốc mới đây đã thể hiện sức mạnh quân sự và quyết tâm của mình sau các chuyến thăm Ðài Loan của một số nhà lập pháp Mỹ, nhưng các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh khó có thể mạo hiểm thúc đẩy một cuộc xung đột vũ trang dẫn đến những hậu quả khôn lường trên quy mô toàn cầu, bao gồm cả đại lục.

Quan hệ kinh tế chặt chẽ

Bên cạnh răn đe quân sự, Bắc Kinh cho thấy rằng họ sẵn sàng sử dụng các công cụ kinh tế để gia tăng sức ép đối với Ðài Bắc. Ðơn cử, sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Ðài Loan hồi đầu tháng 5, Trung Quốc đã đình chỉ xuất khẩu cát tự nhiên, ngưng nhập khẩu một số loại trái cây và cá từ Ðài Loan. Song, giới phân tích cho rằng những biện pháp này có thể chỉ có tác động nhỏ đến nền kinh tế Ðài Loan. Ðiều đó có nghĩa là các biện pháp trừng phạt kinh tế khắt khe hơn của Bắc Kinh mới có thể tác động đáng kể đến nền kinh tế Ðài Loan.

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi (trái) và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn trong cuộc gặp tại Đài Bắc hồi đầu tháng 8 . Ảnh: AFP

Tuy nhiên, 2 nền kinh tế Trung - Ðài hiện gắn bó chặt chẽ với nhau và mọi biện pháp trừng phạt đều có thể "lợi bất cập hại". Trung Quốc không chỉ là thị trường xuất khẩu lớn nhất mà còn là nhà nhập khẩu lớn nhất của Ðài Loan. Năm 2021, 42% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ðài Loan là sang Trung Quốc, gồm Hong Kong. Theo cơ quan quản lý tài chính Ðài Loan, Ðài Loan đã xuất khẩu 188,91 tỉ USD hàng hóa sang Trung Quốc đại lục và Hong Kong vào năm này, hơn một nửa trong số đó là linh kiện điện tử và thiết bị quang học.

Sự hội nhập mạnh mẽ giữa nền kinh tế Trung Quốc và Ðài Loan khiến một số nhà phân tích cho rằng có rất ít khả năng Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế khắt khe hơn đối với các doanh nghiệp Ðài Loan, bởi điều này sẽ làm tổn hại đến các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc. "Nếu Bắc Kinh áp đặt các hạn chế đối với các sản phẩm được sản xuất từ Ðài Loan, điều này sẽ gây khó khăn cho chuỗi cung ứng và xuất khẩu của Trung Quốc. Vì vậy, khó có khả năng Trung Quốc sẽ chọn con đường này. Bất kỳ lệnh trừng phạt thương mại lớn nào nhằm vào Ðài Loan đều cũng sẽ làm tổn hại đến toàn bộ nền kinh tế khu vực Ðông Á" - David Dollar, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Viện Brookings, nhận định.

Nguy cơ chia cắt

Tác động của cuộc khủng hoảng toàn diện xuyên eo biển được cho cũng sẽ cắt đứt "mạch" xuất khẩu của Ðài Loan với phần còn lại của thế giới, gây ảnh hưởng tới các khu vực lân cận. Ðài Loan có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Cho nên, ngay cả khi tránh được một cuộc xung đột toàn diện thì một cuộc phong tỏa quân sự của Trung Quốc đối với Ðài Loan vẫn sẽ "gây ra cú sốc kinh tế lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, bởi nó sẽ dẫn đến sự thiếu hụt trong lĩnh vực sản xuất ô tô và điện tử, làm gia tăng nạn lạm phát" theo như nhận định của Gareth Leather, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á tại công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô Capital Economics.

Theo ông Leather, Ðài Loan cho đến nay là nhà sản xuất chip xử lý lớn nhất thế giới, hiện diện hầu hết trong các sản phẩm mới. Ðài Bắc có thị phần gấp đôi so với nhà sản xuất chip xử lý lớn thứ hai thế giới và sự thống trị của hòn đảo này ở phân khúc cao cấp thậm chí còn lớn hơn khi mà 92% chất bán dẫn tiên tiến do Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Ðài Loan (TSMC) sản xuất. Ông Leather cho rằng nếu nguồn cung cấp chất bán dẫn của Ðài Loan bị gián đoạn trong một thời gian dài, các nhà sản xuất ô tô và điện tử sẽ phải vật lộn để tìm nguồn cung cấp thay thế, buộc nhiều công ty phải tạm ngừng sản xuất. Mark Williams, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế châu Á tại Capital Economics, cho biết để xây dựng một nhà máy chip bán dẫn cần mất từ 2-3 năm với chi phí cực kỳ đắt đỏ, có thể lên đến hàng chục tỉ USD. Vì thế, ông Williams cảnh báo phương Tây sẽ quyết tâm hành động nếu Trung Quốc thực thi bất kỳ biện pháp nào làm thay đổi cán cân hiện có tại eo biển Ðài Loan.

Nếu Trung Quốc cấm vận Ðài Loan thì họ có thể sẽ phải đối mặt với một loạt lệnh trừng phạt quốc tế, tương tự như Nga hiện đang phải đối mặt sau khi phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine. Trung Quốc có thể bị đóng băng tài sản và bị cắt đứt hết các mối quan hệ kinh tế và tài chính mặc dù sự trả đũa kinh tế như vậy khó có thể xảy ra đối với nhiều nước phương Tây, vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại với Bắc Kinh. Ðồng thời, tàu chở dầu và chở hàng của Trung Quốc cũng có thể bị đối thủ phong tỏa ở eo biển Malacca để ngăn chặn nguồn năng lượng quan trọng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, từ đó có khả năng ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị của nước này. Ông Williams nhấn mạnh các hành động đáp trả của phương Tây nhằm vào Trung Quốc sẽ dẫn đến nguy cơ nền kinh tế thế giới bị chia cắt với những hậu quả khó khắc phục. Thậm chí, nếu Trung Quốc hành động quân sự thì Mỹ và các đồng minh có khả năng trực tiếp can thiệp quân sự, dù điều này có nguy cơ làm xung đột lan rộng ra khu vực.

Kim ngạch thương mại của Đài Loan hồi năm ngoái đạt 830 tỉ USD, tức lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trị giá 773 tỉ USD. Thế nên, Đài Loan được cho cực kỳ dễ bị tổn thương trước căng thăng địa chính trị và phong tỏa kinh tế.

Chia sẻ bài viết