19/11/2013 - 21:12

Cứu trợ Philippines, Mỹ tăng cường “sức mạnh mềm” ở châu Á

Máy bay vận tải của Mỹ đưa nạn nhân của bão Haiyan rời khỏi Tacloban. Ảnh: US Marine Corps

Phản ứng của quân đội Mỹ trong nỗ lực giúp Philippines khắc phục hậu quả của siêu bão Haiyan được miêu tả là "ngoạn mục", nhưng lại trùng hợp với thời điểm Washington đang theo đuổi chính sách "xoay trục" sang châu Á.

Sau khi cơn thịnh nộ của thiên nhiên quét qua miền Trung Philippines hôm 8-11 và khiến ít nhất 3.900 người chết cùng hàng triệu người bị ảnh hưởng, đến nay Mỹ đã triển khai khoảng 50 tàu và máy bay đến hỗ trợ người dân tại các khu vực này. Lực lượng hùng hậu trên bao gồm 10 máy bay vận tải C-130, 12 máy bay V-22 Osprey, 14 trực thăng Seahawk và đặc biệt là tàu sân bay hạt nhân USS George Washington với 5.000 thủy thủ và hơn 80 máy bay. Hồi đầu tuần, Mỹ cũng đã tuyên bố dành thêm 10 triệu USD, nâng tổng số viện trợ cho Philippines lên hơn 37 triệu USD.

Theo hãng tin CNN, việc thể hiện sức mạnh của Mỹ trên trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thảm họa nhân đạo như siêu bão Haiyan là cơ hội quảng bá hình ảnh của quân đội Mỹ, nhất là khi Washington bị cho đã để mất ảnh hưởng tại châu Á vào tay Trung Quốc sau khi Tổng thống Barack Obama vì phải lo giải quyết cuộc khủng hoảng ngân sách không thể tới dự các hội nghị quan trọng ở đây hồi đầu tháng 10. Philippines là một trong những đồng minh thân cận nhất của Washington tại châu Á và là đối tác chủ chốt trong chiến lược "tái cân bằng" đối với khu vực này. Nhà phân tích chính trị người Philippines Ramon Casiple cho rằng việc Mỹ mở rộng "sức mạnh mềm" tại khu vực cũng như việc nhiệt tình tiến hành chiến dịch khắc phục hậu quả thiên tai không phải là những mục tiêu mâu thuẫn.

Hiện Mỹ cũng đang sử dụng một sân bay tại Guiuan- một trong những thị trấn thuộc tỉnh Đông Samar chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của siêu bão, để phục vụ công tác cứu trợ người dân nơi đây. Guiuan từng là một căn cứ quan trọng của Mỹ trong suốt Thế chiến thứ hai. Trước năm 1992, Philippines là một trong những căn cứ chiến lược quan trọng nhất của Washington trong suốt nhiều thập niên. Chuyên gia an ninh về châu Á-Thái Bình Dương Patrick Cronin dù khẳng định Washington vẫn tập trung vào việc giúp các nạn nhân của siêu bão, song cũng nói thêm rằng: "Phản ứng khẩn cấp sẽ mở ra cơ hội tiến đến các kế hoạch về hiện diện quân sự luân phiên của Mỹ tại Philippines". Theo Reuters, Washington và Manila đang thảo luận về việc gia tăng sự hiện diện quân sự luân phiên của Mỹ tại quốc gia Đông Nam Á này, từ triển khai máy bay, tàu, nhu yếu phẩm và binh sĩ cho các hoạt động nhân đạo và an ninh hàng hải.

"Những thảm họa như thế này không phải duy nhất ở Philippines. Một tín hiệu được phát đến tất cả các quốc gia tại Đông Nam Á và cả châu Á rằng Mỹ nghiêm túc về sự hiện diện của họ tại đây"- ông Casiple nhận định.

THANH BÌNH

Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc ngày 18-11 cho biết các cơ quan LHQ đang tăng cường nỗ lực cứu trợ tới những khu vực của Philippines bị bão Haiyan tàn phá. Tuần trước, LHQ và các đối tác đã kêu gọi quyên góp 301 triệu USD để hỗ trợ nhân đạo cho Philippines. Đến ngày 16-11, LHQ đã nhận được 26% của quỹ này.

Ngày 18-11, Manila thông báo đã được Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cam kết cho vay tổng cộng 1 tỉ USD để tái thiết các vùng bị bão tàn phá, trong bối cảnh viện trợ quốc tế đã bắt đầu đến tay nạn nhân ở những vùng xa thành phố. Cụ thể, WB cho biết một khoản vay 500 triệu USD đã được giải ngân để khắc phục hậu quả và giúp Philippines nâng cao khả năng phòng chống thiên tai ngày càng xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn. ADB, trụ sở tại Manila, cũng thông báo cung cấp khoản vay tín dụng tương tự. Theo Chủ tịch Takehiko Nakao, ADB sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Philippines và các cơ quan tài chính quốc tế khác nhằm đem lại hy vọng và xây dựng lại cuộc sống cho 11 triệu người bị ảnh hưởng bởi siêu bão Haiyan.

Theo AFP, thiệt hại vật chất do bão Haiyan gây ra được xác định vào khoảng 14 tỉ USD. LHQ ước tính khoảng 2,5 triệu người cần được giúp đỡ khẩn cấp về lương thực và các loại nhu yếu phẩm khác. Hơn 4 triệu người mất nhà cửa, trong số này chỉ có 350.000 người tìm được chỗ tạm trú trong các trại cứu nạn.

(TTXVN)

 

Chia sẻ bài viết