30/04/2009 - 11:50

Cướp biển Somalie - cuộc chiến đến bao giờ?

Kỳ 3: Mắt xích ở Luân Đôn

Thả tiền chuộc tàu Sirius Star cho hải tặc Somalie.
Ảnh: BBC

Kỳ 1: Có một “thủ đô” hải tặc ở Somalie

Kỳ 2: Con đường trở thành hải tặc

Nạn cướp biển ở ngoài khơi Somalie đã phát triển thành một ngành công nghiệp béo bở. Tiền chuộc con tin và tàu bị cướp luôn luôn phải được trả - nhưng bằng cách nào? Simon Cox - phóng viên kỳ cựu của hãng tin Anh BBC - đã thâm nhập vào đường dây chung tiền chuộc cho hải tặc và phát hiện mọi con đường đều dẫn tới: Luân Đôn, “thủ đô” của ngành hàng hải quốc tế.

Chỉ riêng năm vừa qua, các băng cướp biển ở Somalie được cống nạp ước tính tới 50 triệu USD (có nguồn tin cho biết con số thực tế lên tới 125 triệu USD) tiền chuộc hàng chục tàu thuyền và hàng trăm thủy thủ bị chúng cầm giữ. Tuy nhiên, việc ra mặt thương lượng và chung chi tiền chuộc lại do đội ngũ luật sư, chuyên gia đàm phán, lực lượng bảo an hoạt động ở một nơi cách xa gần 7.000 cây số đảm trách. Đó là Thủ đô Luân Đôn của Anh, nơi được xem là trung tâm kinh doanh của ngành hàng hải thế giới.

Theo Simon, khi chủ tàu nhận được tin tàu của mình lọt vào tay hải tặc Somalie, việc đầu tiên họ làm là gọi vào đường dây nóng của một công ty luật hàng hải ở Luân Đôn, như Holman Fenwick Willan chẳng hạn. “Thường thì chúng tôi mong sớm nhận được điện thoại (của chủ tàu). Còn việc thương lượng như thế nào là quyết định của cả một ê-kíp”, luật sư Stephen Askins tiết lộ. Cũng như Holman Fenwick Willan, công ty của Askins là một trong số ít doanh nghiệp đứng ra đại diện hải tặc mặc cả tiền chuộc với chủ tàu. Theo Askins, trước nay không có luật lệ nào về “cách thức chi trả tiền chuộc”. “Mỗi nơi làm theo một cách. Nhưng thông thường đến cuối ngày, người bên chủ tàu sẽ gọi điện cho đại diện phía hải tặc để trao đổi cách thức thương lượng”. Theo báo Csmonitor (Mỹ), từ tháng 7-2008 tới nay, Holman Fenwick Willan đã giải quyết 30 vụ có liên quan tới hải tặc và hiện còn hơn 4 tàu biển bị giam ở ngoài khơi Somalie đang chờ công ty này “giúp đỡ”.

Do hải tặc coi cướp bóc là công việc làm ăn nên Askins cho rằng dù chúng có vũ trang và táo tợn đến mấy thì động cơ chính vẫn là tiền. Bởi vậy, quá trình mặc cả để đi đến ngã giá dù rất căng thẳng nhưng những đầu mối như Askins không được bỏ về giữa chừng mà phải bằng mọi cách giữ chân đối tác. Tại Anh, việc chi trả tiền chuộc không bị xem là hành vi phạm pháp, trừ khi đối tượng nhận tiền là phần tử khủng bố. Chính vì thế, mỗi khi cướp được tàu, hải tặc Somalie biết chắc mười mươi rằng ngày nhận tiền chuộc chỉ là vấn đề thời gian.

Sau luật sư đại diện, mắt xích kế tiếp là chuyên gia đàm phán với nhiệm vụ cố gắng kì kèo để đạt được mức giá “phải chăng”. Quá trình thương lượng bắt đầu với mức giá “trên trời” do phía cướp biển đưa ra, thường thấp nhất là 10.000 USD và cao nhất 2 triệu USD (cá biệt trường hợp tàu chở dầu Sirius Star của Arabie Séoudite, bị cướp tháng 11 năm ngoái, hải tặc Somalie ra giá tới 25 triệu USD do số dầu trên tàu trị giá tới 100 triệu USD). James Wilkes, giám đốc công ty rủi ro hàng hải Gray Page, chuyên phụ trách đàm phán trong nhiều vụ cướp tàu biển ở Somalie, cho biết một phi vụ hải tặc trung bình kéo dài 2 tháng trước khi tiền chuộc vào túi bọn cướp biển. Theo Wilkes, để đạt được mức giá cuối cùng cũng “trầy da tróc vảy”.

Cuối cùng là công đoạn cực kỳ đau đầu - giao tiền cho hải tặc. Thông thường tiền chuộc được giao trực tiếp cho hải tặc ở ngoài khơi bờ biển phía Bắc Somalie. Nhưng để tiền đến được tay cướp biển không phải là chuyện dễ bởi theo Darren Dickson, giám đốc công ty tư vấn rủi ro chuyên nhận giao tiền chuộc cho nhiều băng nhóm hải tặc, ôm cọc tiền kếch xù giữa biển cả mênh mông có thể khiến bạn hoặc trở thành mồi ngon của nhóm hải tặc khác hoặc bị tàu hải quân tuần tra trên Ấn Độ Dương nhầm tưởng là cướp biển. Tuy nhiên, không chỉ bên giao tiền mới gặp rủi ro. Có ít nhất 5 cướp biển Somalie bị chết đuối trong lúc cố bắt lấy tiền chuộc tàu Sirius Star sau khi tiền được thả từ trên không xuống không trúng tàu của chúng mà rơi tỏm xuống biển.

Nhiều người sẽ thắc mắc khi nhận được tiền chuộc, hải tặc sẽ xử lý như thế nào. Tất cả các chuyên gia từng hợp tác làm ăn với cướp biển Somalie đều cho rằng cũng như các băng nhóm tội phạm khác, chúng sẽ chia chác với nhau. Tuy nhiên, theo Bruno Schiemsky - chuyên gia phân tích vũ khí người Kenya, bọn hải tặc không “ăn” trọn một mình mà phải chia phần trăm cho các tổ chức Hồi giáo cực đoan nổi dậy ở Somalie. Tỷ lệ ăn chia có thể lên tới 50% nếu hải tặc đóng đô ở lãnh địa của chúng. Các nhà phân tích cho rằng nếu cướp biển và lực lượng khủng bố ở Somalie thật sự “đi đêm” với nhau thì cuộc chiến chống cướp biển ở vùng Sừng châu Phi vốn đã phức tạp sẽ càng phức tạp hơn.

VIỆT QUỐC (Theo BBC, Csmonitor)

(Kỳ cuối: Khởi tố hải tặc Somalie như thế nào và ở đâu?)

Ở Luân Đôn, dịch vụ luật sư, tư vấn rủi ro... không hề rẻ. Phí thuê luật sư, chuyên gia tư vấn rủi ro, cố vấn an ninh cũng như chi phí đi lại và phí giao tiền chuộc gộp lại có thể tương đương khoản tiền chuộc. Theo Simon Beale - chuyên gia thanh toán hợp đồng bảo hiểm tàu biển ở Anh, điều đó có nghĩa chủ tàu phải chuẩn bị gấp đôi tiền chuộc.


Thả tiền chuộc tàu Sirius Star cho hải tặc Somalie. Ảnh: BBC

Chia sẻ bài viết