|
Quan hệ hữu hảo giữa ông Blair (phải) và ông Brown đã trở thành dĩ vãng. Ảnh: Guardian |
Trong cuốn hồi ký có tựa đề “Hành trình” mới được phát hành hôm 1-9, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã công khai nhiều chuyện cho thấy sự chia rẽ trong ban lãnh đạo Công đảng (hiện là đảng đối lập) giai đoạn cuối thời kỳ ông nắm quyền. Trong đó, chủ yếu là mối quan hệ giữa ông với người kế nhiệm mà ông gọi là “hay gây bực mình” Gordon Brown.
Trong quyển sách, ông Blair cho biết có sự rạn nứt sâu sắc giữa các nhân vật nổi bật trên chính trường Anh giai đoạn 1997-2010, và ông phải chịu “sức ép cá nhân thường xuyên” từ ông Brown. Thế nhưng, ông Blair nói không thể cách chức ông Brown, khi đó đang giữ chức Bộ trưởng Tài chính, vì lo ngại mình sẽ bị phế truất sớm hơn (ông Blair bị buộc phải ra đi năm 2007 sau cuộc đấu đá nội bộ với ông Brown). Ông Blair nói vào giai đoạn cuối thời kỳ nắm quyền, mối quan hệ giữa ông với Brown trở nên “khó, rất khó” vì có nhiều bất đồng về các chính sách lớn.
Công đảng dưới thời ông Blair đã giành thắng lợi liên tiếp 3 cuộc tổng tuyển cử, nhưng đã thất bại hồi tháng 5 dưới thời ông Brown. Vì vậy, trả lời phỏng vấn báo The Guardian hôm 31-8, ông Blair chỉ trích ông Brown đã không tiến hành cải cách Công đảng thành “Công đảng Mới” theo đường lối trung lập (do ông Blair đề xuất), nên việc ông Brown lên nắm quyền “trở thành tai họa”, và đó là điều ông đã nhìn thấy trước. Sau cái chết của lãnh đạo Công đảng John Smith năm 1994, ông Blair thuyết phục ông Brown từ bỏ ý định trở thành ứng viên thay thế. Tuy nhiên, ông Brown chẳng những không chấp nhận mà còn gây sức ép buộc ông Blair phải ra đi sau 10 năm hai ông “cùng sát cánh” trên chính trường.
Trong quyển hồi ký, ông Blair viết ông đã không có thực quyền để ngăn cản ông Brown bước chân vào nhà số 10 phố Downing vì có nhiều thế lực đã giúp ông Brown. Sức mạnh của ông Brown không những nằm trong nội bộ Công đảng mà còn ở giới truyền thông, khiến ông Blair khó đảo ngược tình thế. Ông Blair còn viết về ông Brown rằng đây là “người nhiều toan tính chính trị, nhưng thiếu hiểu biết; có khả năng phân tích, nhưng không có cảm xúc”.
Ngoài mối quan hệ “sóng gió” với ông Brown, quyển hồi ký của ông Blair còn khái quát nhiều sự kiện trong suốt quãng đời hoạt động chính trị, từ khi ông được bầu làm Chủ tịch Công đảng năm 1994 và đắc cử Thủ tướng 3 năm sau đó, đến cuộc đàm phán hòa bình Bắc Ireland, chiến tranh ở Bosnia, Kosovo, Afghanistan, Iraq và cuộc chiến chống khủng bố.
Những tiết lộ của ông Blair đã “đào sâu” thêm sự chia rẽ trong nội bộ Công đảng, nhất là thời điểm bầu chọn lãnh đạo mới đang đến gần. Các đồng minh của ông Brown tuyên bố sẽ đáp trả những chỉ trích của ông Blair.
N. MINH (Theo UKPA, Reuters, AFP)