21/08/2008 - 08:10

Cuối tháng 9-2008, thông xe kỹ thuật cầu Rạch Miễu

* Cuối tháng 8-2008, khởi động lại gói thầu số 2- cầu Cần Thơ

* TP Cần Thơ: Vẫn giữ lại cầu Cái Răng hiện hữu khi cầu Cái Răng mới hoàn thành

(CT)- Ngày 20-8-2008, Bộ Giao thông- Vận tải (GT-VT) phối hợp cùng 2 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và các đơn vị thi công cầu Rạch Miễu làm lễ hợp long nhịp chính cầu dây văng giữa trụ T18 và T19. Tham dự lễ có đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ; lãnh đạo Bộ Giao thông-Vận tải, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng đông đảo nhân dân 2 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre...

Công trình xây dựng cầu Rạch Miễu được khởi công từ tháng 4-2002, bắc qua sông Tiền, trên trục quốc lộ 60 nối Tiền Giang với Bến Tre. Tổng chiều dài toàn tuyến là 8.331m, trong đó chiều dài cầu là 2.878m, rộng 12m (riêng phần cầu dây văng rộng 16m), có 2 làn xe ô tô, 2 làn xe thô sơ và người đi bộ. Khổ thông thuyền cầu là 37,5m x 220m. Dự án được đầu tư theo phương thức: xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng, trong đó 58% là vốn ngân sách nhà nước và 42% là vốn BOT. Chủ đầu tư phần vốn BOT là Liên doanh các tổng công ty Cienco1, Cienco 5 và Cienco 6 (Bộ GT-VT).

Công trình cầu Rạch Miễu có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ xóa thế ốc đảo cho Bến Tre, tạo hành lang giao thông phía Đông của ĐBSCL, mà còn là thành tựu của ngành cầu đường Việt Nam. Đây là cây cầu do Việt Nam thiết kế và thi công. Công trình dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 9-2008 và đưa vào sử dụng cuối năm 2008.

Tại buổi lễ hợp long, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang bày tỏ niềm vui mừng được Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng cầu, đồng thời biểu dương tinh thần làm việc cả các đơn vị thi công. Thứ trưởng Bộ GT-VT Ngô Thịnh Đức nói: “Đến giờ phút này, chúng tôi có thể báo cáo với Chính phủ là những người thợ cầu Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế và thi công cầu dây văng hiện đại, ngang tầm quốc tế”.

* Chiều ngày 20-8-2008, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn đã tiếp ông Ariyoshi Makimoto, đại diện Liên danh Nhà thầu TKN (Taisei-Kajima-Nippon Stell) - Nhật Bản.

Tại buổi tiếp, ông Ariyoshi Makimoto thông báo: được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam, vào cuối tháng 8 này sẽ khởi động lại gói thầu số 2 - cầu Cần Thơ. Ông Ariyoshi Makimoto mong muốn UBND TP Cần Thơ tiếp tục hỗ trợ Liên danh Nhà thầu TKN trong quá trình thi công cầu Cần Thơ.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ rất phấn khởi trước thông tin Liên danh Nhà thầu TKN chuẩn bị khởi động lại gói thầu số 2 - cầu Cần Thơ. UBND TP Cần Thơ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thi công để cầu Cần Thơ sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng.

* Hôm qua (20-8-2008), đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã chủ trì cuộc họp về việc xem xét phá dỡ hay giữ lại cầu Cái Răng hiện hữu khi cầu Cái Răng mới được xây dựng hoàn thành. Đại diện Sở GT-VT, Sở Xây dựng, lãnh đạo quận Ninh Kiều, quận Cái Răng đã đến dự và đóng góp nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này.

Phát biểu tại cuộc họp, sau khi nghe ý kiến phát biểu của các sở, ngành hữu quan, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho biết: Nên giữ lại cầu Cái Răng hiện hữu khi cầu mới xây dựng hoàn thành, vì đây cũng là cây cầu vĩnh cửu và vẫn còn sử dụng được, khi nào không cần sử dụng nữa thì tháo dỡ. Xét về mặt hiệu quả kinh tế - xã hội, cầu Cái Răng hiện hữu vẫn còn sử dụng được, việc phá dỡ sẽ tốn khoản kinh phí khá lớn khoảng 6-7 tỉ đồng.

Cầu Cái Răng mới được đầu tư xây dựng với kinh phí trên 160 tỉ đồng (chưa tính trượt giá) và dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2009. Trường hợp, nếu địa phương đề xuất tháo dỡ cầu Cái Răng hiện hữu khi cầu mới xây xong, thì khoản kinh phí này sẽ được tính chung vào gói thầu của cầu Cái Răng. Nếu để sau này phá dỡ thì ngân sách địa phương tự cân đối.

THU HÀ - ANH KHOA - THIỆN KHIÊM

Chia sẻ bài viết