23/04/2012 - 21:19

Bầu cử Tổng thống Pháp 2012

Cuộc đua gay cấn chờ đợi Sarkozy và Hollande

Đúng như dự đoán, đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy và ứng viên đảng Xã hội Francois Hollande đã giành được số phiếu cao nhất trong cuộc bỏ phiếu vòng 1 và bước vào “chặng đua nước rút” với đích đến là Điện Élysée ngày 6-5. Mục tiêu hiện nay của hai ứng viên tổng thống là thu hút cử tri ủng hộ bà Marine Le Pen, ứng viên đảng Mặt trận dân tộc bất ngờ về thứ ba vòng bầu cử vừa qua.

Bất chấp lo ngại các chiến dịch tranh cử vừa qua không đủ bao quát để lôi kéo cử tri đến các địa điểm bỏ phiếu, tỷ lệ đi bầu vẫn rất cao, khoảng 80%. Theo số liệu do Bộ Nội vụ Pháp công bố, với 75% số phiếu đã kiểm, ứng viên Hollande đã về đầu với tỷ lệ ủng hộ 27,9%, so với 26,7% của Tổng thống Sarkozy - một kết quả bất ngờ so với dự báo. Xếp ở vị trí thứ ba là bà Le Pen, người đã giành được tới 19,2% số phiếu, bỏ xa ứng viên tiếp theo của đảng Mặt trận cánh tả Jean-Luc Mélenchon 10,8% và ứng viên đảng Phong trào dân chủ trung dung Francois Bayrou 9,2%.

Bất ngờ lớn nhất của cuộc bầu cử vòng 1 hôm Chủ nhật thuộc về bà Le Pen khi giành được tỷ lệ ủng hộ kỷ lục trong đảng Mặt trận dân tộc, cao hơn cả kết quả mà thân sinh của bà, ông Jean-Marie Le Pen, đạt được trong cuộc bầu cử năm 2002. Năm đó, ông Le Pen giành 16,9% số phiếu và bước vào vòng cạnh tranh trực tiếp với Tổng thống Jacques Chirac lúc bấy giờ. Chính vì vậy, những người ủng hộ bà Le Pen được xem là đối tượng có vai trò quan trọng quyết định sự thành bại của hai ứng viên Sarkozy và Hollande.

Ngay sau khi có kết quả bầu cử, lực lượng vận động tranh cử của đảng Xã hội Pháp lập tức “vuốt ve” cử tri của bà Le Pen. “Chúng ta cũng cần nghĩ tới những người đang giận dữ vì họ cảm thấy bị lãng quên và khó chịu với nhiệm kỳ đầu tiên của ông Sarkozy”- Martine Aubry, Chủ tịch đảng Xã hội, nói. Trong khi đó, khi được hỏi ý kiến về điểm số của bà Le Pen, phe của Tổng thống Sarkozy, cho biết: “Chúng tôi cần nói chuyện với những người này. Nguyện vọng của họ phải được xem xét và ông Nocolas Sarkozy đã làm như vậy thông qua việc mở rộng các chủ đề (mà họ quan tâm), chẳng hạn như một châu Âu bảo vệ chúng ta khỏi những rủi ro của toàn cầu hóa”. Các cuộc khảo sát mới đây cho thấy trong cuộc bầu cử sắp tới, khoảng 50% cử tri của bà Le Pen sẽ ủng hộ ông Sarkozy và có lẽ 20% sẽ bầu cho ông Hollande.

Tổng thống Sarkozy, 57 tuổi, từng ví von ông là “đôi tay an toàn nhất” dẫn dắt nước Pháp và Khu vực đồng euro (Eurozone) vượt qua cơn khủng hoảng tài chính hiện nay, nhưng việc bị thua trước đối thủ đảng Xã hội trong vòng 1 cuộc bầu cử cho thấy sự thất vọng của cử tri đối với ông trong vấn đề kinh tế. Nếu thất bại trong cuộc bầu cử vòng 2, ông Sarkozy sẽ trở thành lãnh đạo thứ 11 ở Eurozone mất chức kể từ khi khủng hoảng nợ công bắt đầu năm 2009 và là tổng thống một nhiệm kỳ đầu tiên của Pháp kể từ năm 1981. Trong khi đó, nếu ông Hollande chiến thắng, nước Pháp thời Hollande sẽ gia nhập cộng đồng các chính phủ cánh tả thiểu số ở châu Âu và thực thi cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Eurozone, thay cho chính sách cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, khả năng thương lượng lại hiệp ước “thắt lưng buộc bụng” của khối, theo ý tưởng của ông Hollande, đang gây lo ngại cho thị trường tài chính châu Âu. Lý do là việc ông coi trọng đánh thuế nhà giàu hơn cắt giảm chi tiêu trong thời buổi khó khăn này sẽ khiến Pháp thất bại trong việc đạt được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Nhìn chung, cả hai ứng viên tổng thống đều có những mặt hạn chế của riêng mình, do đó, việc ai sẽ đăng quang hiện vẫn là một ẩn số.

THANH TRÚC
(Theo CBS, Reuters, NewsMax)

 

THANH TRÚC (Theo CBS, Reuters, NewsMax)

Chia sẻ bài viết