02/01/2010 - 09:32

Cú sốc đầu năm của Sarkozy

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (ảnh) vừa bị một vố đau, sau khi Hội đồng Hiến pháp hay còn gọi là Tòa án tối cao nước này ra phán quyết bác bỏ luật về thuế carbon do ông chỉ đạo soạn thảo, vì cho rằng luật này không hợp hiến. Diễn biến mới này khiến uy tín của ông Sarkozy, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề sau một loạt vụ xì-căng-đan xảy ra trong năm qua có liên quan đến cá nhân ông và những người thân trong gia đình, càng giảm sút nghiêm trọng. Theo các nhà phân tích, đây thật sự là cú sốc đối với Tổng thống Sarkozy, người vừa có bài phát biểu mừng năm mới trên kênh truyền hình quốc gia hứa hẹn với người dân Pháp về “những đổi mới trong năm 2010”.

Có thể nói, sau khi Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu diễn ra ở Copenhagen hồi trung tuần tháng 12 năm rồi kết thúc thất bại, Tổng thống Sakorzy đã thể hiện quyết tâm với thế giới rằng Pháp sẽ là nước tiên phong trong cuộc chiến chống sự ấm lên của Trái đất. Chính quyền của ông bắt đầu phác thảo luật thuế carbon với tuyên bố sắc thuế mới sẽ tác động tới 70% nguồn phát sinh khí CO2 tại Pháp. Ông cho rằng luật thuế trên khi thực thi (dự kiến từ những ngày đầu năm nếu không bị Hội đồng Hiến pháp bác bỏ) sẽ “thay đổi cách thức và thói quen tiêu thụ năng lượng của người dân, khuyến khích sử dụng các năng lượng tái tạo, phát thải ít khí gây hiệu ứng nhà kính”. Nhưng vì sao sắc thuế này lại bị coi là vi hiến?

Hội đồng Hiến pháp nêu rõ luật thuế carbon không bảo đảm sự bình đẳng của mọi người trong lĩnh vực thuế, bởi một phần nhỏ các hoạt động có phát thải khí gây ô nhiễm phải chịu thuế, trong khi 93% các hoạt động thải khí gây hiệu ứng nhà kính có nguồn gốc công nghiệp lại không bị đánh thuế. Thật vậy, sắc thuế mới do chính phủ Pháp đề xuất được áp dụng đối với những phương tiện sử dụng các loại năng lượng hóa thạch (như xăng, dầu, ga, than) ở mức 17 euro (25 USD) mỗi tấn carbon thải ra môi trường. Đối tượng chịu thuế là hộ gia đình và doanh nghiệp, ngoại trừ các ngành công nghiệp nặng và nhà máy điện.

Báo L’Humanité nhận định: “Các hộ gia đình là nạn nhân đầu tiên của loại thuế mới này. Đành rằng họ phải đóng thuế vì thải khí gây ô nhiễm môi trường, hâm nóng Trái đất, nhưng chỉ trút gánh nặng này lên lưng người dân là không công bằng”. Trong khi đó, báo La Tribune cho rằng nhà nước không trợ giúp gì nhiều cho các doanh nghiệp trong cuộc “cách mạng xanh” lần này. Còn nhật báo kinh tế Les Echos viết: “Vào lúc nước Pháp đang phải đối phó với khủng hoảng tài chính, quyết định đánh thuế carbon của chủ nhân điện Elysée là nhằm tăng nguồn thu ngân sách”. Theo phân tích của tờ báo này, sắc thuế mới sẽ mang lại cho chính phủ Pháp một nguồn thu ngân sách khổng lồ, có thể lên tới 4,3 tỉ euro mỗi năm.

Theo giải thích của chính phủ Pháp, luật thuế carbon không nhằm mục đích tăng phần thu ngân sách, mà chỉ muốn khuyến khích người dân thay đổi hành vi đối với môi trường và cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Paris còn cam kết khoản tiền thu được từ sắc thuế mới sẽ được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho các công nghệ năng lượng sạch. Nhưng rõ ràng lời giải thích và cam kết ấy đã không thuyết phục được Hội đồng Hiến pháp.

THẢO VY (Theo Times, Guardian và AFP)

THẢO VY (Theo Times, Guardian và AFP)

Chia sẻ bài viết